Lãi suất huy động giảm liên tục, gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất?

06/08/2023 08:34:38

Từ ngày 4/5, các ngân hàng bước vào “chiến dịch” giảm lãi suất huy động lớn nhất từ trước đến nay. Sau 3 tháng, mức lãi suất 8%/năm nay đã hoàn toàn biến mất.

Ngân hàng nào có số lần giảm lãi suất nhiều nhất?

Theo thống kê của VietNamNet, thị trường lãi suất huy động giữa các ngân hàng trong tháng 5/2023 ghi nhận 29 ngân hàng điều chỉnh giảm. Con số này trong tháng 6 là 27 và tháng 7 là 29 ngân hàng.

Và dù mới chỉ qua mấy ngày đầu tiên của tháng 8, đã có tới 13 ngân hàng giảm lãi suất huy động. 

Nếu như đầu tháng 5 lãi suất phổ biến trên 8%/năm thì đến cuối tháng 6 số ngân hàng duy trì mức lãi suất này chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Sang tháng 7, chỉ còn duy nhất CBBank duy trì mức lãi suất trên 8%/năm (kỳ hạn từ 12 tháng trở lên), và đến nay đã không còn mức lãi suất này ở bất kỳ ngân hàng nào.

Theo thống kê, NCB là ngân hàng có tần suất giảm lãi suất huy động lớn nhất trong vòng 3 tháng vừa qua, với 10 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Tiếp theo là các ngân hàng VietA Bank và TPBank.

Trong khi nhóm sau gồm HDBank, OCB, VPBank, và Sacombank cùng trải qua 7 lần điều chỉnh lãi suất.

Các ngân hàng BacA Bank, Eximbank, NamA Bank, VIB, và MSB cùng có 6 lần điều chỉnh. 

Những ngân hàng đã 5 lần giảm lãi suất trong 3 tháng qua gồm: GPBank, Saigonbank, VietA Bank, Techcombank, KienLong Bank, BIDV, và VietinBank.

Trong khi đó, Vietcombank và Agribank cùng với ABBank, BaoVietBank, SCB, và OceanBank đã trải qua 4 lần giảm lãi suất.

Lãi suất huy động giảm liên tục, gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất?

Chất lượng hay số lượng?

Tuy nhiên, “chất lượng” của việc giảm lãi suất huy động lại không phụ thuộc vào số lần ngân hàng công bố giảm. Điển hình như NCB và VietA Bank dù rất tích cực ban hành biểu lãi suất mới, thế nhưng mức giảm thực tế lại thua xa so với những ngân hàng chỉ một vài lần công bố giảm lãi huy động.

Một minh chứng cụ thể là với lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng. Mức giảm đối với kỳ hạn này tại NCB và VietA Bank chỉ 1,3%/năm sau 3 tháng, tương đương với những ngân hàng mới chỉ qua 3 – 4 lần giảm lãi suất (LPBank, OceanBank, BaoViet Bank).

Trong khi đó, VietinBank sau 5 lần hạ lãi suất đã cho thấy mức giảm thực chất nhất, giảm tới 2,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Đây là ngân hàng có mức giảm sâu nhất trong hệ thống.

BIDV, VPBank, KienLong Bank và NamA Bank là nhóm ngân hàng có tổng mức giảm sâu (chỉ sau VietinBank) khi lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm tới 1,9%/năm. Đây là nhóm ngân hàng có từ 5 – 7 lần công bố hạ lãi suất.

Tiếp đến là HDBank và OCB (cùng giảm 1,8%/năm); Vietcombank, MSB, và Agribank (cùng giảm 1,7%/năm). 

Lãi suất huy động giảm liên tục, gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất? - 1

Lãi suất huy động giảm liên tục, gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất? - 2

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng chỉ giảm dưới 1% sau 3 tháng phần lớn thuộc về các ngân hàng có số lần điều chỉnh lãi suất ít nhất.

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp dù đều đặn công bố giảm lãi suất nhưng thực chất không giảm được là bao. Lý do là mỗi lần chỉ giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm.

Chẳng hạn như Eximbank dù trải qua 6 lần điều chỉnh lãi suất trong 3 tháng qua nhưng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cũng chỉ giảm 0,8%/năm.

Do vậy, dù có nhiều lần hạ lãi suất nhưng chưa chắc ngân hàng đã có mức giảm thực chất. Nhưng chỉ cần một vài lần giảm của ngân hàng này đã hiệu quả tương đương với ngân hàng khác. Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là LPBank, dù chỉ qua 3 lần điều chỉnh lãi suất nhưng lãi suất kỳ hạn 6 tháng của nhà băng này đã giảm tới 1,3%/năm. 

Tuy nhiên, số lần điều chỉnh hay biên độ điều chỉnh đối với lãi suất huy động còn tuỳ thuộc vào tính toán của từng ngân hàng, dựa trên nhu cầu huy động vốn, thanh khoản của ngân hàng, lãi suất cho vay, cũng như diễn biến thị trường. 

Do đó, mỗi lần ngân hàng ra quyết định giảm lãi suất chắc chắn sẽ là một quyết định không mấy dễ dàng và đáng được ghi nhận.

Đúng như Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chia sẻ: “Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại khó như 6 tháng đầu năm 2023.”

Theo ông Tú, Tăng hay giảm lãi suất, cung tiền ra nhiều hay ít, làm thế nào để tăng và mở rộng tín dụng, hài hoà giữa chất lượng tín dụng và doanh số tín dụng mở rộng, hạn chế nợ xấu... đều là những câu hỏi khó.

"Có thể nói giải quyết những bài toán trên là nhiệm vụ vô cùng khó bởi rất nhiều mục tiêu ngược chiều nhau”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)

Nổi bật