Lãi suất đồng loạt tăng cao: 'Đến hẹn lại lên', nỗi lo ập đến

25/11/2018 07:41:41

Các ngân hàng tiếp tục cuộc đua huy động tiền gửi từ khách hàng, vốn đã bắt đầu có xu hướng tăng từ hồi tháng 9 cho đến nay. Lãi suất đầu vào tăng lên tiếp tục báo hiệu lãi suất cho vay đầu ra khó có thể giảm trong thời gian tới.

Đua nhau tri ân khách hàng

Các ngân hàng tư nhân bắt đầu vào cuộc đua tăng lãi suất vào cuối năm. Ngân hàng VPank mới đây công bố mức lãi suất huy động kì hạn 12 tháng tăng lên 7,3%/năm. Ngân hàng OCB cũng thay đổi biểu lãi suất từ ngày 10/11, cũng tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm/năm ở một số kỳ hạn.

Lần gần đây nhất các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất là vào tháng 10, kể các ngân hàng lớn hoặc nhỏ. Chẳng hạn như Vietcombank, hay BIDV, tăng từ 0,1% -0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn dưới 12 tháng. Techcombank cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất, hiện lãi suất 6%/năm ở kì hạn 6-11 tháng, nhưng lên đến 6,8% ở kỳ hạn 12 tháng.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng tiếp tục chương trình khuyến mãi tặng thêm quà, hoặc tăng thêm lãi suất để tri ân khách hàng với những mức tiền gửi phù hợp. Chẳng hạn, SHB mới đây công bố lãi suất huy động lên đến 7,4%/năm đối với khoản tiền dưới 2 tỷ đồng cho kỳ hạn từ 6-11 tháng. Trước đó, hồi tháng 10, ngân hàng này cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho các kì hạn ngắn hơn.

Lãi suất đồng loạt tăng cao: 'Đến hẹn lại lên', nỗi lo ập đến
Các ngân hàng tăng cường hút vốn vào dịp cuối năm

Vietcombank mới đây cũng tung chương trình tri ân với quà tăng bằng tiền mặt từ ngày 15/11. Trong khi đó, BIDV hồi tháng 10 cũng công bố chương trình khuyến mãi đến hết tháng 11, nhận quà khi khách hàng gửi tiền, đi du lịch nước ngoài. VPBank còn mạnh tay hơn khi quảng cáo du lịch vòng quanh thế giới với các chương trình rút thăm trúng thưởng khi gửi tiền. Ngoài ra, ngân hàng này còn công bố triển khai thêm chương trình ngày vàng huy động để cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền từ 6 tháng đến 1 năm, mức cộng từ 0,3-0,5 điểm % so với biểu lãi suất tham chiếu, theo đó lãi suất 6-11 tháng lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 7,6%/năm. 

Ở nhiều ngân hàng khác, lãi suất huy động hiện tại được duy trì ở mức khá cao, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ với những cái tên như NCB, Viet Captial Bank, Nam Á,...  cao nhất hiện là hơn 8%/năm. Đáng chú ý, lãi suất huy động ở các ngân hàng quốc doanh với kỳ hạn 12 tháng, hầu như giờ đây đã tương đương với các ngân hàng tư nhân lớn khác.

Nhìn chung, lãi suất trên thị trường đã điều chỉnh tăng rõ rệt ở các kì hạn ngắn từ 1-3 tháng ở các ngân hàng quốc doanh, và kì hạn 12-13 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, công ty chứng khoán SSI nhận định.

Lý giải cho việc tăng lãi suất huy động vào cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng đây là hiện tượng bình thường, các ngân hàng tranh thủ hút mạnh tiền nhàn rỗi để chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm và mua sắm vào đầu năm mới.

Lãi suất khó giảm

Thực tế lãi suất huy động bắt đầu tăng dần lên từ tháng 8 cũng là thời điểm mà kinh tế thế giới có nhiều biến động, không chỉ hiện tượng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã tạo áp lực lên tỷ giá, mà còn chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Yếu tố khách quan bên ngoài khiến các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất tiền Đồng hấp dẫn hơn so với ngoại tệ là điều cần thiết, nhiều chuyên gia nhận định trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng giá, đồng Nhân dân tệ thì đang chịu áp lực mất giá. Trong năm 2019, dự kiến lãi suất đồng USD sẽ còn được cơ quan quản lý của Mỹ điều chỉnh tăng thêm.

Ở trong nước, các ngân hàng trong năm nay còn chịu áp lực về việc huy động tiền Đồng nhằm đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý, chẳng hạn như quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn áp dụng vào đầu năm sau.

Một điều đặc biệt có thể nhận thấy là các ngân hàng vẫn đang “đói vốn” không chỉ cho cuối năm, bởi tốc độ tăng trưởng lượng tiền huy động thấp hơn lượng cho vay ra. Như ở Vietcombank tăng trưởng dư nợ 15%, nhưng huy động tiền gửi chỉ tăng 9,1%. Đáng chú là hiện tượng này diễn ra ở cả 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh.

Hiện nay, các ngân hàng bên cạnh việc nâng lãi suất huy động nhiều lần trong năm còn tăng cường phát hành thêm trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn. Chẳng hạn, mới đây là đợt phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu của BIDV với kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Vietcombank cũng vừa huy động 550 tỷ đồng trái phiếu qua 6 đợt phát hành từ đầu năm đến nay. Vietinbank hồi giữa năm cũng hoàn tất phát hành 5.000 tỷ đồng từ trái phiếu.

Việc huy động tiền vốn từ trái phiếu nhiều hơn giúp ngân hàng có thêm lượng vốn đáng kể để kinh doanh, bên cạnh việc huy động từ thị trường dân cư, đồng thời cũng giúp các ngân hàng cải thiện lại hệ số an toàn vốn tối thiểu, nhiều chuyên gia nhận định.

Hiện nay, trên thị trường vay mượn liên ngân hàng, lãi suất sau một thời gian tương đối bình ổn đã tăng lên trên mức 4,5%, trong đó lãi suất qua đêm tăng mạnh nhất, đạt đỉnh 4,533%, tăng 1,93% so với cuối tháng 9, báo cáo của Công ty chứng khoán SSI cho biết. Lần tăng lãi suất gần đây nhất là vào tháng 8, nhưng sau đó giảm dần.

Có thể nói các ngân hàng đang ngày càng hút nguồn vốn nhiều hơn để chủ động đón tăng trưởng trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Dù vậy, lãi suất đầu vàocác ngân hàng tiếp tục tăng cho thấy chi phí lãi vay với các doanh nghiệp trong thời gian tới vẫn là một thách thức lớn.

Theo Dũng Nguyễn (VietNamNet)