Lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn một lần nữa được Ngân hàng Nhà nước hoãn lại để các nhà băng "dễ thở" hơn.
Tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng hiện khá cao, phần lớn vốn đổ vào bất động sản. Ảnh: Anh Tú. |
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 45% từ đầu năm sau thay vì xuống hẳn 40% như lộ trình ban đầu. Việc giảm hẳn tỷ lệ xuống 40% sẽ được "hoãn" tới đầu năm 2019. Như vậy, dự thảo sửa đổi (lần 2) của Thông tư này một lần nữa được lấy ý kiến theo hướng giãn lộ trình thực hiện.
Theo lý giải của cơ quan chức năng, điều chỉnh này được đưa ra trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017. Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng việc điều chỉnh này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hồi tháng 5, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định sẽ xem xét lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện tín dụng trung dài hạn vẫn chiếm 53-55%, trong khi vốn huy động trung dài hạn chỉ chiếm 13-15%. Đây là rủi ro rất lớn cho hoạt động ngân hàng khi mất cân đối về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Thống đốc cho biết, lẽ ra cung ứng vốn trung dài hạn phải thực hiện qua kênh chứng khoán, nhưng do đặc thù của Việt Nam nên nguồn vốn này hiện chủ yếu vẫn huy động qua kênh ngân hàng. "Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá diễn biến chính sách tiền tệ để xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phù hợp hơn với thực tế nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng thương mại", ông Lê Minh Hưng nói.
Theo Thanh Thanh Lan (VnExpress.net)