Dịch bệnh triền miên và tăng giá liên tục
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP - Đạm Phú Mỹ (DPM) bất ngờ nâng kế hoạch lợi nhuận năm gấp hơn 5 lần so với kế hoạch trước đó ngay trước ngày chốt sổ.
Cụ thể, Đạm Phú Mỹ điều chỉnh kế hoạch doanh thu tăng thêm gần 3,7 nghìn tỷ lên 12 nghìn tỷ và lợi nhuận sau thuế từ 365 tỷ đồng lên 1.890 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận mới của DPM tăng gấp hơn 5 lần so với kế hoạch ban đầu.
So với lợi nhuận sau thuế đã kiểm toán 2020, lợi nhuận năm nay của Đạm Phú Mỹ tăng gần 2,7 lần. Đây cũng là kỷ lục về lợi nhuận của doanh nghiệp này trong 10 năm qua.
Sở dĩ doanh thu và lợi nhuận của DPM tăng mạnh là do giá giá phân bón liên tục leo thang giữa lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tương tự, Hóa chất Đức Giang cũng ghi nhận mức lãi khủng, ước đạt 2.400 - 2.500 tỷ đồng trong năm 2021. Chỉ riêng tháng 10 và 11, lợi nhuận đã đạt 1.000 tỷ đồng.
Nhà sản xuất đá nhân tạo hàng đầu Việt Nam Vicostone (VCS) có kết quả kinh doanh ước tính quý IV/2021 với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Vicostone ghi nhận lãi trước thuế gần 2.100 tỷ đồng năm 2021 nhờ doanh thu tăng mạnh, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Canada tăng trưởng 150%. Với mức lợi nhuận nói trên, Vicostone vượt 9,2% so với mục tiêu đặt ra tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2021. Cổ phiếu VCS tăng gần 40% trong năm 2021, nhỉnh hơn mức tăng của VN-Index, khoảng hơn 30%.
Chứng khoán VNDirect cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự kiến đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với mức 860 và 480 tỷ đồng lợi nhuận năm 2020 và 2019. Doanh nghiệp ghi nhận tổng tải sản tăng gấp đôi lên gần 28,6 nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình chưa công bố lợi nhuận cả năm nhưng trong 11 tháng ghi nhận doanh thu đạt 31,8 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần 21% và 20% so với cùng kỳ năm trước và đã vượt kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của PV GAS dự kiến vượt 19% kế hoạch, ước đạt 8.380 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 6.000 tỷ đồng. Doanh thu ước đạt 80 nghìn tỷ đồng, cũng vượt 14% chỉ tiêu năm. Một DN họ dầu khí là PV Power ước đạt gần 25,2 nghìn doanh thu và hơn 1,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận năm 2021. Riêng lợi nhuận đạt 145% kế hoạch năm.
Nhiều DN ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ và vượt kế hoạch năm như PJICO ước lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 1,6 lần so với năm 2020 lên 350 tỷ đồng; PVOil ước lợi nhuận trước thuế đạt 884 tỷ đồng, vượt 121% kế hoạch; Chứng khoán BIDV ước lợi nhuận đạt 430 tỷ đồng trong cả năm 2021, vượt 139% kế hoạch năm và gấp 2,7 lần năm trước. Vận tải và Xếp dỡ Hải An ước lợi nhuận sau thuế đạt 389 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với mục tiêu đề ra và tăng 165% so với khoản lãi năm 2020.
Triển vọng tươi sáng trong 2022
Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn khó lường nhưng dự báo cho thấy nhiều DN có triển vọng tốt.
VCSC dự báo dự báo giá urê trung bình giai đoạn 2021-2022 cao hơn khoảng 30% so với mức tăng trong giai đoạn 2007-2008 do giá khí đốt dự kiến cao hơn, gián đoạn nguồn cung do dịch Covid gây ra với chi phí vận chuyển tăng cao, triển vọng nhu cầu mạnh mẽ, đặc biệt là sử dụng trong công nghiệp sau Covid-19…
VCSC cho rằng Đạm Phú Mỹ sẽ được hưởng lợi từ giá ure tăng mạnh trong năm 2022. Trong khi đó, mảng NPK của Công ty là một động lực tiềm năng cho lợi nhuận trong trung hạn.
Trong khi đó, nhà sản xuất đá nhân tạo Vicostone ghi nhận một năm kinh doanh ấn tượng là bởi doanh nghiệp đã tự chủ nguồn nguyên vật liệu chính như Cristobalite, Resin và nguồn Quartz trong nước, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu, rủi ro về biến động tỷ giá, tối ưu giá thành…
Với sự tự chủ về nguyên liệu và sự tăng trưởng đột biến ở các thị trường mới như Canada, Vicostone được dự báo sẽ có triển vọng tươi sáng trong các năm tiếp theo.
Các CTCK, ngân hàng, bán lẻ, nhóm ngành hàng thiết yếu… cũng được dự báo sẽ bứt phá trong năm 2022.
Các ngân hàng được cho là tiếp tục duy trì sức hút nhờ báo cáo tài chính tích cực, triển vọng dòng tiền dồi dào, thu từ dịch vụ tăng mạnh… Nhiều ngân hàng đẩy mạnh nâng quy mô, qua đó tăng tín dụng và lợi nhuận sẽ tăng theo.
Nhóm các CTCK cũng được dự báo sẽ tích cực nhờ sự sôi động của TTCK với thanh khoản tỷ USD mỗi phiên và hàng triệu nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Chứng khoán trở thành một kênh đầu tư mới của nhiều người.
Nhóm ngành hàng thiết yếu cũng sẽ tiếp tục trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch. Các doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu thiết yếu và nhu cầu mua sắm sẽ được hưởng lợi do nhu cầu của người dân được dự báo sẽ phục hồi sau khoảng thời gian dài giãn cách xã hội.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực tài chính vững mạnh, có quỹ đất dồi dào… cũng sẽ có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp hưởng lợi từ hàng hóa tăng giá như thép, phân bón, hóa chất, dầu khí, vận tải… được dự báo cũng hút dòng tiền. Các ngành thủy sản, trang thiết bị y tế và dược phẩm, năng lượng… có cơ hội gia tăng doanh số bán hàng.
Theo Mirae Asset, môi trường kinh tế vĩ mô chung được kỳ vọng sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tiêm vắc xin tăng nhanh và gia tăng mức độ thích ứng được với chiến lược sống chung với Covid-19 sẽ giúp nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.
Mirae Asset dự báo các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế nhờ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy bởi các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2021 và triển vọng chưa sáng sủa trong năm mới như trong ngành viễn thông, hàng không, du lịch … Đại dịch Covid vãn diễn biến phức tạp, nhiều dịch vụ bị hạn chế, giá chi phí kinh doanh ở mức cao.
Theo M. Hà (VietNamNet)