Thay vì trùm túi lưới hoặc túi giấy, anh Thọ quyết định cho những quả bưởi của mình khoác một lớp vải, cách làm này giúp vỏ bưởi có một màu hồng đẹp mắt, sốt hàng trong dịp Tết năm nay.
“Mặc áo” cho bưởi
Hơn 3 năm trước, anh Lê Vĩnh Thọ có dịp sang tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) công tác, được một người bạn bản địa mời dùng thử bưởi này, thấy quả có hình dáng đẹp, màu hồng bắt mắt, anh Thọ liền nghĩ ngay đến việc mang giống bưởi này về trồng tại đất vườn ở Vĩnh Long, mở ra hướng đi mới trong việc khởi nghiệp tại quê nhà.
Sau khi tìm hiểu kỹ, anh Thọ quyết định mua 150 cây giống về trồng thử nghiệm. Nói về cái tên bưởi tam hồng, anh Thọ cho biết: "Bưởi tam hồng khi chín, vỏ bên ngoài có màu hồng nhạt rất đẹp, không chỉ vỏ có màu hồng mà cả cùi và ruột bưởi đều có màu hồng trông rất bắt mắt, cũng chính điều này thu hút tôi khi lần đầu tiên nhìn thấy và mong muốn phát triển nó tại đất miền Tây".
"Sau 3,5 năm trồng giống bưởi này, đến thời điểm hiện tại, tôi thấy chúng phát triển rất tốt, số lượng quả cho ra đều đạt, đặc biệt thích hợp trồng ở khí hậu miền Tây" - anh Thọ cho biết thêm.
Thay vì trùm túi lưới hoặc túi anh Thọ quyết định cho những quả bưởi của mình khoác một lớp vải, cách làm lạ đời này đã cho ra những quả bưởi to, mọng và có một màu hồng lạ mắt.
"Túi giấy thật ra chỉ thích hợp với điều kiện khô ráo, thế nên khi sử dụng ở khí hậu miền Tây thì sẽ không phù hợp, dẫn đến việc dễ rách khi gặp mưa dầm, nếu không bao kịp thời bưởi sẽ nhanh chóng hư hại. Thế nên lúc đó tôi nghĩ ngay đến việc dùng túi vải" - anh Thọ cho hay.
Cũng theo anh Thọ, việc sử dụng túi vải mang lại nhiều ưu điểm chẳng hạn như chi phí không cao, độ bền lâu, có thể tái sử dụng từ 2 - 3 vụ, đặc biệt thích ứng tốt trong điều kiện thời tiết mưa dầm ở miền Tây.
Sốt hàng vụ Tết
Bưởi tam hồng không kén đất, lại phát triển rất nhanh. Do ghép với bưởi long cổ cò nên năng suất mang lại khá cao và có khả năng chịu được nước mặn.
Theo đó, bưởi tam hồng cho trái quanh năm, từ lúc ra hoa cho đến khi thu hoạch kéo dài từ 6-7 tháng. Điều đặc biệt của giống bưởi này là cho ra quả thành chùm, mỗi chùm có từ 2-3 quả, thậm chí có chùm lên đến 4 quả. Mỗi quả có trọng lượng từ 2 - 3,5kg, có quả thậm chí lên đến 4kg, trung bình mỗi tháng anh Thọ cung cấp từ 200 - 300kg bưởi thương phẩm và khoảng 1.000 cây bưởi giống.
"Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thị trường Tết năm nay cũng khó đoán, số lượng bưởi tại vườn của tôi hiện tại cũng không nhiều, năm nay chỉ cung cấp khoảng 1 tấn cho thị trường. Thời điểm này, tất cả trái trong vườn đều đã được khách hàng đặt mua để cung ứng cho thị trường Tết" - anh Thọ cho biết.
Với mô hình bưởi lạ mắt, nhiều nhà vườn tại địa phương cũng tìm đến học hỏi thậm chí mua cây giống về trồng tại vườn nhà. Ông Nguyễn Văn Mười (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: "Tôi đã trồng thử 50 gốc bưởi tam hồng, hiện tại cây đang phát triển tốt. Tôi nghĩ đây là giống cây mới thích hợp cho bà con miền Tây chuyển đổi mô hình canh tác, vừa cải thiện đời sống vừa phát triển kinh tế tại địa phương".
Hiện tại, anh Thọ đang cải tạo thêm 5.000m2 đất để mở rộng mô hình trồng giống cây này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cây giống và bưởi thương phẩm cho bà con. Trong tương lai, khi mô hình đã ổn định anh Thọ dự định mở thêm du lịch sinh thái cho khách tham quan, trải nghiệm.
Ông Huỳnh Tấn An - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Mô hình của anh Thọ có thể nhân rộng, triển khai cho địa phương góp phần cải thiện kinh tế và đời sống của người dân. Với mẫu mã đẹp, giống bưởi này cũng rất được ưa chuộng để trưng trong những ngày Tết. Đã vậy quả cho ra to, thịt giòn ngọt đây sẽ là mặt hàng tiềm năng và sẽ còn phát triển lâu dài tại địa phương".
Theo Bạch Cúc (Lao Động)