Là 'công xưởng' của Samsung, Việt Nam chỉ thu được phí gia công với điện thoại và máy tính

20/09/2018 13:29:39

Với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính, gần như doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ cho hoạt động gia công.

Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, trong năm 2016 có 1.740 doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài. Trong đó, có 1.687 doanh nghiệp nhận gia công hàng hóa cho nước ngoài và 52 doanh nghiệp Việt Nam gửi nguyên liệu ra nước ngoài thuê gia công.

Là 'công xưởng' của Samsung, Việt Nam chỉ thu được phí gia công với điện thoại và máy tính
Hiệu chỉnh thiết bị trong khâu công đoạn phục vụ lắp ráp điện thoại di động tại Tổ hợp công nghệ cao Samsung, Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Tổng phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 đạt 8,6 tỷ USD. 

Trong đó, dệt may và giầy dép chiếm trọng số lớn nhất trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài. Cụ thể, nhóm hàng dệt may đứng đầu với số ngoại tệ thu về 4,1 tỷ USD; giầy dép 2,7 tỷ USD; lắp ráp điện thoại 268 triệu USD; lắp ráp điện tử máy tính 63 triệu USD và gia công hàng hóa khác thu được 1,4 tỷ USD. 

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động gia công hàng hóa với nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu nên tỷ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao 62,3%. 

Trong đó, tỷ lệ này cao nhất ở nhóm hàng điện thoại với 78,9%, nhóm hàng điện tử máy tính 76,4%, nhóm dệt may 67,1%, nhóm giầy dép 47% và nhóm hàng hóa khác là 74,7%. 

Mặc dù Việt Nam là địa bàn sản xuất trọng điểm của Samsung nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế này. “Số liệu cho thấy, với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính gần như doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nhóm hàng dệt may và giầy dép thấp hơn cho thấy ngoài nguyên liệu nhập khẩu từ nước thuê gia công, doanh nghiệp Việt Nam có cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước phục vụ cho quá trình gia công. Vì vậy, ngoài khoản thu về phí gia công doanh nghiệp Việt Nam còn thu được một khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình gia công, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với nhóm hàng dệt may và giầy dép.

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017, các đối tác chính đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công, lắp ráp hàng hóa trong năm 2016 gồm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công. 

Kết quả của Tổng điều tra kinh tế lần này cũng chỉ ra, các đối tác thực hiện gia công, lắp ráp hàng hóa cho Việt Nam chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong năm 2016, tổng số phí các doanh nghiệp Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài về thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp là 8,2 triệu USD. Phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao với 56,2%. 

“Như vậy, ngoài phí gia công trả cho nước ngoài các doanh nghiệp Việt Nam còn phải trả thêm chi phí cho việc mua nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Theo Hoàng Linh (Báo Tin Tức)

Nổi bật