Gần 80 tuổi vẫn đi học lái xe
Với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm vừa qua, cùng với đó là sự “già hoá” về cơ cấu dân số, số lượng người cao tuổi điều khiển các phương tiện giao thông ngày càng trở nên đông đảo. Các cụ ông, cụ bà đã 60-70 tuổi không chỉ đi xe máy, xe đạp điện ra đường mà ngày càng xuất hiện nhiều người cao tuổi có thể lái cả ô tô.
Qua khảo sát tại một số trung tâm dạy lái xe tại Hà Nội, lượng học viên trên 60 tuổi có xu hướng tăng theo từng năm. “Kỷ lục” học viên cao tuổi nhất tại các trung tâm liên tục bị “xô đổ”.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nghiêm Xuân Đỉnh – phụ trách đào tạo của Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe LOD (Hà Nội) cho biết, nếu như những năm trước, số người trên 60 tuổi đi học lái xe ô tô chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì năm 2020 vừa qua, trung tâm đã tiếp nhận hàng chục trường hợp học viên trên 60 tuổi.
“Những người trên dưới 70 tuổi lái xe cũng không hiếm. Như cuối năm ngoái, tôi nhận hướng dẫn một bác trai sinh năm 1943 (78 tuổi) học và thi lấy bằng B2, bác đã thi đỗ và có bằng lái cách đây gần 5 tháng. Ngày 2/3 vừa qua, cũng có một bác sinh năm 1948 (73 tuổi) lấy được bằng B2 khá dễ dàng”, anh Đỉnh vui vẻ nói.
Vị chuyên gia về đào tạo lái xe này cũng cho biết thêm, nhiều người trên 60 tuổi mới đi học lái xe vì lúc này đa số họ đã về hưu, có nhiều thời gian nên đi học để chủ động lái xe đi chơi, thăm thú nơi này nơi khác thoả niềm đam mê.
Người già lái ô tô an toàn hơn xe máy?
Bà Trần Thị Thái Phan (63 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) có lẽ là một trường hợp nữ lái xe vô cùng đặc biệt. Sau khi nghỉ hưu chưa lâu, vào năm 2014, bà đã có 2 quyết định khiến nhiều người phải “giật mình”, đó là đăng ký đi học cao học và học lái xe ô tô.
Từ khi có tấm bằng lái đến nay, bà Phan thường xuyên “vi vu” trên chiếc xe nhỏ xinh của mình không chỉ ở khu vực nội thành Hà Nội mà còn các cung đường miền Bắc cùng gia đình, đôi khi là với những người bạn.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Phan dí dỏm nói: “Tôi hay lái xe đi các tỉnh chơi với bạn bè như Bắc Ninh, Hoà Bình, Hải Phòng, Thái Bình,… không thấy ‘xi nhê’ gì. Từ khi biết tự lái xe, tôi thấy cuộc sống của mình thú vị hơn, không phải nhờ ai đưa đi nữa”.
Khi được hỏi rằng ở độ tuổi như hiện nay thì việc lái xe, nhất là ở đô thị đông đúc như Hà Nội có khó khăn gì không? Bà Phan một lần nữa khiến phóng viên phải bật cười: “Việc đi đường tắc, hay phải tiến, lùi đều đã quen nên tôi thấy dễ, không có vấn đề gì. Đi ô tô có những 4 bánh, không sợ bị ngã như đi xe máy”.
Bà Phan cũng chia sẻ thêm, khi lái xe quan trọng nhất là phải quan sát, bà thường đi chậm và để ý kỹ biển báo, vạch kẻ đường. Nhờ vậy mà đã gần 7 năm lái xe, bà chưa từng bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” hay xảy ra va chạm đáng kể nào.
Đồng tình với ý kiến của bà Phan, ông Trần Thế Sơn (71 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) từng phục vụ trong quân đội và là người đã có gần 40 năm kinh nghiệm lái xe ô tô cho biết, việc ngồi trên một chiếc ô tô đối với người già như ông an toàn hơn đi xe máy rất nhiều.
“Các xe đời mới hiện nay rất nhiều chức năng hỗ trợ người lái như camera 360 độ, cảm biến, hệ thống phanh tự động,... Khi lái xe, chỉ cần tập trung quan sát và phán đoán tình huống là mọi việc trở nên rất nhàn”, ông Sơn chia sẻ với VietNamNet.
Theo các chuyên gia lái xe an toàn, nếu sức khoẻ đảm bảo thì người già trên 60 tuổi hoàn toàn có thể lái xe tốt hơn cả người trẻ tuổi bởi họ có nhiều kinh nghiệm, cộng với tính cẩn trọng khi ra đường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên rằng, những người cao tuổi đã từng có một số bệnh nền trong người như tim mạch, thần kinh, bệnh về mắt hay cơ xương khớp,… nên định liệu sức khoẻ và tốt nhất là hạn chế tự mình điều khiển ô tô, xe máy ra đường.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)