Ông Yasuhiro Saitoh từ nhiệm rồi bổ nhiệm... chính mình (!)
Trong sáng 13/4/2021, ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB) có tới 2 Nghị quyết quyết định chức danh Chủ tịch HĐQT. Hai nghị quyết này được ban hành chỉ cách nhau chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, với nội dung trái ngược nhau.
Theo đó, Nghị quyết số 156/2021/EIB/NQ-HĐQT ngày 13/4, HĐQT Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh; đồng thời, ngân hàng thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch HĐQT để chủ tọa cuộc họp HĐQT ngày 13/4/2021 đối với các nội dung tiếp theo của cuộc họp HĐQT cho đến khi HĐQT bầu nhân sự giữ chức danh Chủ tịch HĐQT mới.
HĐQT giao ông Thông thay mặt HĐQT ký Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh theo đơn từ nhiệm của ông Yasuhiro Saitoh ngày 6/4/2021.
Nghị quyết số 156 được ban hành căn cứ theo đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh ngày 6/4/2021; căn cứ theo kết quả biểu quyết đa số tán thành của các thành viên HĐQT tại cuộc họp ngày 13/4/2021 vào lúc 10h15 phút và cuộc họp lúc 10h45 phút.
Nghị quyết này được ký bởi ông Nguyễn Quang Thông.
Tiếp đó, vào lúc 11h10 phút sáng 13/4/2021, căn cứ kết quả biểu quyết tại cuộc họp HĐQT, Eximbank tiếp tục có Nghị quyết 157, được ký bởi ông Yasuhiro Saitoh với nội dung thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Các nội dung trước đây trái với Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành.
Như vậy, chỉ trong vòng 55 phút, Eximbank có 2 Nghị quyết quyết định về chức danh Chủ tịch HĐQT với nội dung trái ngược nhau.
Động thái nói trên phản ánh cuộc chiến dai dẳng để tranh giành "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT kéo dài mấy năm qua tại nhà băng này.
Theo đó, cuộc chiến nhân sự cấp cao tại Eximbank bắt đầu nổi lên từ tháng 3/2019 khi Eximbank bất ngờ công bố bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế ông Lê Minh Quốc làm Chủ tịch HĐQT dù ông Quốc vẫn chưa hết nhiệm kỳ. Ông Quốc không đồng ý và có đơn kiện lên tòa án. Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để "ngăn cản" việc bổ nhiệm bà Tú của Eximbank. Nhưng sau đó, ông Quốc rút đơn kiện, Tòa dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời để bà Tú trở lại làm Chủ tịch ngân hàng.
Đến tháng 5/2019, Eximbank lại thay Chủ tịch mới, ông Cao Xuân Ninh chính thức được bổ nhiệm vị trí "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Chỉ một tháng sau, ông Cao Xuân Ninh lại có đơn từ chức, nhưng việc từ chức không thành công. Ông Ninh tiếp tục điều hành Eximbank thêm 1 năm ở vị trí Chủ tịch HĐQT.
Đến tháng 6/2020, ông Cao Xuân Ninh chính thức từ nhiệm và ông Yasuhiro Saitoh – thành viên HĐQT người Nhật lên thay. Trước đó, ông Yasuhiro Saitoh là người đại diện cho cổ đông lớn SMBC tại Eximbank nhưng tại thời điểm được bổ nhiệm, việc ông đại diện cho nhóm cổ đông nào thì không được tiết lộ.
Và lần này, tại ĐHCĐ vào 13/4, chiếc "ghế nóng" Eximbank lại một lần nữa tạo nên "sóng gió" giữa các nhân sự lãnh đạo cấp cao.
Được biết, ngày 26-27/4/2021 tới đây, Eximbank sẽ lần lượt tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 và ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Ngoài ra, ngân hàng vẫn còn dự kiến một cuộc họp cổ đông bất thường. Không rõ tại 3 cuộc họp tới đây, chiếc ghế quyền lực này còn chứng kiến sự đổi chủ nào hay không.
Chân dung vị Chủ tịch tại vị 55 phút của Eximbank
Ông Nguyễn Quang Thông (SN 1963, nguyên quán Kiên Giang) là cử nhân kinh tế.
Ông Thông gia nhập Eximbank từ năm 2006 với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long.
Giai đoạn 2006 - 2007 ông là thành viên ban Kiểm soát Eximbank, Phó Chủ tịch HĐQT công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Long.
Từ tháng 8/2007 ông Thông giữ chức danh Thành viên HĐQT Eximbank.
Tháng 1/2014 ông làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long.
Ngày 28/2/2020, Eximbank bầu ông Thông làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ông Thông cũng là 1 trong 6 thành viên HĐQT được ông Yasuhiro Saitoh đánh giá thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ theo quy định trong năm 2020.
Eximbank trong quá khứ từng là một ngân hàng mạnh. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhà băng này liên tục vướng phải lùm xùm do nhân sự cầm tiền của khách hàng rồi bỏ trốn, sau đó là những tranh chấp về cơ cấu cổ đông, cuộc chiến giành ghế lãnh đạo giữa các nhân sự cấp cao... khiến ngân hàng gặp phải một số khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch thường trực Eximbank từng chia sẻ: “Tôi mong rằng toàn thể CBNV các cấp của ngân hàng cùng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt những kế hoạch trong năm 2020 nhằm đưa Eximbank trở lại vị thế dẫn đầu”.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm trước, lãi ròng đạt 1.070 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng bị sụt giảm cả dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng, giảm lần lượt 11% xuống 100.767 tỷ và giảm 3,8% xuống 133.917 tỷ đồng.
Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020; dự kiến tổng tài sản năm 2021 tăng 10% so với năm 2020, đạt 177.000 tỷ đồng, huy động vốn dự kiến tăng 10% đạt 148.000 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng khoảng 15% lên 117.000 tỷ; tỉ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát không quá 2,5% tổng dư nợ.
Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)