Kinh tế Việt chịu hậu quả nặng của hàng nhái, hàng giả, hàng lậu

26/11/2015 19:36:08

Theo thạc sỹ Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, nền kinh tế Việt Nam chịu hậu quả nặng nề của thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng lậu.

Theo thạc sỹ Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, nền kinh tế Việt Nam chịu hậu quả nặng nề của thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng lậu.

Tiêu hủy rượu ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nhận định này được ông Phong đưa ra tại Hội thảo về chống hàng giả, hàng lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để hội nhập và phát triển bền vững được tổ chức hôm nay, 26/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của đông đảo đại diện các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp Thành phố cũng như cả nước tham dự.

Hàng nhái, hàng giả, hàng lậu hiện đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam và tới chất lượng sống của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam cũng là nỗi lo thường trực của mọi gia đình trong cuộc sống ngày thường.

Doanh nghiệp lao đao, người dùng hoang mang

Theo thống kê được tìm hiểu bởi chính các doanh nghiệp trong nước, càng là các thương hiệu, nhãn hàng có tiếng thì càng là "mồi ngon" cho hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tấn công. Trong đó tập trung đông đảo ở các ngành hàng: hàng gia dụng, điện tử, may mặc, da giày, thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm Điều này làm tổn hại đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sức khỏe nền kinh tế, lợi ích xã hội và người tiêu dùng.

Cùng chia sẻ với các doanh nghiệp trong nước, ông Henry Nishikawa, Chủ tịch, giám đốc đại diện BMB International Corp.Japan bày tỏ niềm tin rằng cùng với việc gia nhập AFTA và TPP, việc quản lý hàng nhập khẩu, các quy định, quy chế trên thị trường, các chế tài đối với người xâm phạm quyền thương hiệu của Chính phủ Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ hơn.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) nêu rõ: Chính phủ xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên và phải tập trung đấu tranh trên cả 3 lĩnh vực: buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm.”

Trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 150.000 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 8.760 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2014); khởi tố gần 1.000 vụ với 1.120 đối tượng. Nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu quy mô lớn bị triệt xóa.

Để chống hàng giả, hàng nhập lậu, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ tính năng, xuất xứ, công dụng giá cả của sản phẩm; yêu cầu có hóa đơn; thu thập và thực hành những kinh nghiệm về mua, sử dụng sản phẩm; nên mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những doanh nghiệp có thương hiệu; phát hiện và thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng về những nơi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng... Đặc biệt, người tiêu dùng nên tham gia tích cực vào phong trào mua hàng Việt Nam có chất lượng.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty Vina CHG đã giới thiệu về giải pháp chống giả toàn diện thông minh VinaCheck - giải pháp này được xem là một nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay ở Việt Nam/.

Theo Hà Huy Hiêp (VietNam+)

Nổi bật