Kinh tế Nga chìm sâu vào khủng hoảng

14/03/2015 11:49:05

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã hạ lãi suất cơ bản và dự báo tăng trưởng năm nay, cho thấy lo ngại suy thoái tại nước này.

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã hạ lãi suất cơ bản và dự báo tăng trưởng năm nay, cho thấy lo ngại suy thoái tại nước này.

Nga đang có rất nhiều vấn đề cần lo lắng khi giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang tàn phá nền kinh tế. Đồng rouble đã mất giá 40% so với USD chỉ trong 6 tháng. Còn lạm phát đã đạt đỉnh 16,7% hồi tháng 2, khi giá thực phẩm tăng tới 23% so với năm ngoái.
 

Bảng điện tử hiển thị tỷ giá rouble với USD và euro tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Economist

Đồng rouble mất giá đã làm dấy lên làm sóng đổ lỗi cho ngân hàng trung ương. Cơ quan này bị cho là đã không thể ngăn đà giảm của nội tệ, dù đã bán ra hàng chục tỷ USD dự trữ ngoại tệ.

CNN nhận định CBR đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Giảm lãi suất có thể khiến giá cả tăng cao, nhưng nếu giữ ở mức hiện tại, cuộc khủng hoảng sẽ còn trầm trọng và kéo dài hơn nữa. Hoạt động trong ngành công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng tại Nga cũng đang chậm lại, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).

Những tháng vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã liên tục gây bất ngờ cho thị trường. Tháng 12 năm ngoái, họ bất ngờ nâng lãi suất từ 11,5% lên 17%, nhằm bảo vệ đồng rouble. Đến tháng 1, cơ quan này lại giảm về 15% khi nhận định lạm phát đang được bình ổn.

Còn trên Telegraph, Anna Stupnytska - nhà kinh tế học tại Fidelity Worldwide Investment nhận xét: "Động thái này là kết quả từ sức ép chính trị và kinh tế. Nó có thể giúp nền kinh tế nhẹ nhõm phần nào, nhưng không thể kéo Nga ra khỏi khủng hoảng sâu năm nay". Bà cho rằng chỉ khi giá dầu tăng và khủng hoảng tại Ukraine hạ nhiệt, triển vọng kinh tế Nga mới được cải thiện, mà "cả hai điều này đều chưa thể xảy ra". Bà cũng dự báo khi Chính phủ Nga cạn kiệt lựa chọn chính sách năm nay, làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp sẽ xảy ra, càng tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Dù vậy, chiến lược này cũng phần nào có tác dụng. Đồng rouble đã ổn định từ đầu năm, giúp cơ quan này có thêm cơ hội giảm lãi suất. Hôm qua, đồng tiền này còn tăng nhẹ lên 61 rouble đổi một USD. Tuy nhiên, cảnh báo của Ngân hàng Trung ương Nga về tăng trưởng cũng có nghĩa cuộc khủng hoảng tại đây còn lâu mới có thể chấm dứt.
 
Theo Hà Thu (VnExpress.net)

Nổi bật