Hiện nay, Bộ Công Thương đang đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, góp ý kiến về nội dung dự thảo về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định số 178/2013/NĐ-CP).
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu; Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm; Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm; Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Nghị định này quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức, theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh cũng được quy định tại dự thảo Nghị định này.
Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt theo quy định mà vẫn còn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân vi phạm) hoặc thấp hơn 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với tổ chức vi phạm) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.
Theo Phương Dung (Dân Trí)