Sau 5 tháng hoạt động (từ tháng 5/2016), nhiều hộ kinh doanh trên phố Lê Trọng Tấn cho rằng việc thiết kế biển hiệu đồng bộ khiến kinh doanh ế ẩm, buôn bán thất thu.
Ở phố này, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp được sử dụng mẫu biển hiệu chung do chính quyền quy định. Cụ thể, biển quảng cáo phải có chiều cao so với mặt đất 3.2m - 3.3m, màu sơn chỉ được sử dụng hai màu xanh và màu đỏ, chiều cao bảng biển hiệu là 1.1m.
PV VTC News đã có cuộc khảo sát tại các cửa hàng kinh doanh trên phố Lê Trọng Tấn. Rất nhiều chủ các cửa hiệu kinh doanh phàn nàn về việc biển hiệu gây khó khăn cho họ trong kinh doanh.
Chị Nguyễn Thanh Nga - chủ cửa hàng kinh doanh đồ điện tử cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh ở đây đã 10 năm rồi. Sau khi có biển hiệu mới, kinh doanh chán hẳn. Nhiều khách hàng phàn nàn biển hiệu quá giống nhau, tìm địa chỉ rất khó.
Từ đợt áp dụng biển theo quy định chung, doanh thu gia đình tôi giảm khoảng 1/3 so với trước đó”.
|
Chị Trần Thị Thùy Linh cho rằng, không áp dụng biển hiệu giống nhau như vậy. |
Chị Trần Thị Thùy Linh, kinh doanh quần áo trên phố Lê Trọng Tấn, chia sẻ: “Trước đây, cửa hàng chúng tôi có biển hiệu riêng, logo riêng rất bắt mắt. Biển gắn dọc với cửa ra vào, chữ to, dễ đọc. Từ khi xây dựng biển mới này, rất nhiều khách phàn nàn rằng biển cao quá, rất khó nhìn, vừa chạy xe máy vừa tìm địa chỉ vô cùng nguy hiểm. Ban ngày đã khó nhìn vậy rồi, đi ban đêm còn không phân biệt được cửa hàng nào với cửa hàng nào luôn”.
Chị Linh cho rằng, chính quyền chỉ nên quy định tiêu chuẩn về kích cỡ biển, còn nội dung biển nên để doanh nghiệp tự bài trí theo cách riêng của đơn vị mình.
Việc quy định biển hiệu làm tăng tính mỹ quan đô thị nhưng kinh doanh giảm sút sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây.
|
Nhiều cửa hàng đóng cửa vì kinh doanh thất thu. |
Chị Nguyễn Thị Thanh Phượng, chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm buồn bã: “Tôi kinh doanh ở đây đã được 8 năm, nhưng chưa bao giờ thấy doanh thu xuống thấp như vậy. Doanh thu cửa hàng giảm một nửa so với ngày còn sử dụng biển cũ.
Mỗi cửa hàng kinh doanh một mặt hàng riêng, thương hiệu, logo riêng, tại sao lại phải dùng chung một mẫu do chính quyền xây dựng? Cửa hàng bao năm kinh doanh tốt, nay chỉ còn khách quen ghé vào, khách vãng lai họ ít mua vì chỉ chạy xe lướt qua, biển quảng cáo thì cao quá, khách họ không đọc được nên có biết trong cửa hàng kinh doanh gì đâu. Cả phố biển giống nhau, cửa hàng mỹ phẩm biển hiệu không khác gì cửa hàng mắm tôm bên cạnh”.
Đặc biệt, quan sát trên tuyến phố Lê Trọng Tấn, cứ cách 4-5 cửa hàng mở cửa, lại có một vài cửa hàng đóng cửa im lìm. Thậm chí, một số cửa hàng rao tin chuyển nhượng, cho thuê lại.
|
Một số cửa hàng phải chuyển nhượng vì không thể bám trụ lại được. |
Anh Nguyễn Hoàng Anh, một người dân sống lâu năm ở phố Lê Trọng Tấn cho biết gần đây, một số cửa hàng phải chuyển nhượng hoặc trả lại cho chủ nhà. Lý do trả cửa hàng là do kinh doanh ế ẩm, trong khi tiền thuê cửa hàng vẫn phải trả hàng tháng. Không thể bám trụ lại được nên một số chủ cửa hàng đành nghỉ bán hoặc chuyển nhượng.
"Ở đây, cây xanh không có, trời nắng nên không có khách đi bộ, những người đi xe máy thì họ chạy nhanh vì đường nay rộng hơn xưa. Vậy nên, quán xá ở đây buôn bán đìu hiu, vắng vẻ lắm”, anh Hoàng Anh chia sẻ thêm.
Trao đổi với Dân trí, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Thương hiệu – ĐH Thương Mại (Hà Nội) cho rằng việc đồng bộ biển hiệu sẽ mất đi tính nhận dạng thương hiệu của các doanh nghiệp.
Biển quảng cáo chính là điểm tiếp xúc đầu tiên, giúp người tiêu dùng hiểu được một phần nào đó về sản phẩm mà doanh nghiệp muốn truyền tải.
Biển quảng cáo chỉ còn hai màu xanh và màu đỏ sẽ làm mất đi tính đặc trưng của doanh nghiệp và gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tìm kiếm sản phẩm.
Theo Dương Nhung (VTC.vn)