Thương hiệu Kinh Đô mà tập đoàn gắn bó suốt 22 năm qua giờ đây thuộc sở hữu của đối tác nước ngoài, sử dụng trong lĩnh vực bánh kẹo.
Cái tên Kinh Đô vốn gắn liền với mảng bánh kẹo, đã được bán 80% choTập đoàn Mondelēz International. Do đó, thương hiệu Kinh Đô cũng thuộc quyền sở hữu của đối tác và doanh nghiệp cần chọn tên khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh sắp tới.
Cũng liên quan đến việc bán cổ phần ở mảng bánh kẹo, Kinh Đô cho biết sẽ chia cổ tức 200% bằng tiền mặt cho cổ đông sau thương vụ này. Tại cuộc họp sáng nay, thời điểm chi trả số tiền là câu hỏi được nhiều cổ đông quan tâm. "Ngay khi hoàn chỉnh mọi thủ tục, chúng tôi sẽ chuyển khoản cổ tức đặc biệt 200% nhờ việc bán cổ phần cho đối tác ngoại cho nhà đầu tư", Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô - Nguyễn Xuân Luân thông báo.
Khi nào khoản cổ tức 200% về tài khoản là điều được cổ đông quan tâm tại đại hội. Ảnh: BH |
Ngoài ra, trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), thực phẩm gia vị chiếm tỷ trọng 26%, trong đó sản phẩm đóng gói chiếm 24%, chỉ còn 2% cho lĩnh vực bánh kẹo. Do vậy, doanh nghiệp cho rằng độ lớn của ngành thực phẩm gia vị sẽ gấp 12 lần bánh kẹo hiện nay.
Vào tháng 5 vừa qua, Kinh Đô liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong xây nhà máy sản xuất mì ăn liền, gia vị, cháo, nui, phở, nước chấm... tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Kinh Đô sở hữu 49% và Saigon Ve Wong chiếm 51% cổ phần.
Mới đây nhất, doanh nghiệp ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Fleda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo - Trans Logistics Corporation (ITL). Ba bên sẽ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam và tiến tới việc lập liên doanh. Dự kiến, Kinh Đô nắm 45% cổ phần, 2 đơn vị còn lại là 55%.
Tại đại hội, cổ đông thống nhất phương án trích hơn 4.400 tỷ đồng để hoàn tất việc mua lại 30% tổng số cổ phiếu phát hành để làm cổ phiếu quỹ. Kinh Đô đang trong quá trình tìm kiếm sản phẩm và đối tác phù hợp để tiến hành các hoạt động M&A ở ngành hàng thực phẩm thiết yếu.
Công ty đang có lượng tiền mặt 9.568 tỷ đồng, trong đó chi cho cổ tức 4.620 tỷ đồng, dành 1.725 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư dầu ăn, mì gói, các sản phẩm từ sữa... Số tiền còn lại 3.223 tỷ đồng sẽ dành để cho các hoạt động đầu tư khác.
Năm 2014, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 4.953 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch), lãi sau thuế 537 tỷ đồng, tổng tài sản xấp xỉ 8.000 tỷ. Thù lao cho Hội đồng quản trị 10,7 tỷ đồng (tương đương 2% lãi sau thuế).
Theo Mai Thương (VnExpress.net)