Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý 3.815,4 tỉ đồng sau kiểm toán 21 dự án BT đổi đất lấy hạ tầng. Con số cho thấy những lỗ hổng trong cơ chế triển khai các dự án BT hiện nay.
Dự án BT đường Lê Văn Lương đã thu lợi rất lớn cho nhà đầu tư nhờ giá đất tăng vọt |
Tại hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” do Kiểm toán nhà nước tổ chức sáng nay 19.10, đại diện Kiểm toán nhà nước và các chuyên gia đã chỉ ra nhiều lỗ hổng cơ chế triển khai dự án BT khi đất công bị đổi lấy giá rẻ, trong khi các công trình lại bị thổi giá cao.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán nhà nước, cùng với BOT, các hợp đồng xây dựng theo hình thức BT giữ vai trò quan trọng trong huy động nguồn vốn bên ngoài để phát triển hạ tầng. Nhưng BT cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng, do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, những khoản sinh lời lớn do nhà đầu tư có cơ hội được sở hữu những mảnh đất vàng tại các địa phương.
Tại nhiều nơi, chính quyền đã phải đổi quyền sử dụng một lượng lớn đất do giá trị đất không đủ cao, để nhà đầu tư xây dựng một công trình không lớn về quy mô cũng như ý nghĩa với kinh tế. Điển hình là dự án đường Lê Đức Thọ (kéo dài) tại Hà Nội, dù chỉ dài 3,5 km nhưng quỹ đất thanh toán tới 70 ha.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc bồi hoàn chi phí dự án cho nhà đầu tư bằng một khu đất được định giá ngay khi ký thỏa thuận dự án BT, trong khi sau đó giá đất tăng lên do thị trường, khiến toàn bộ phần tăng nhà đầu tư hưởng trọn, Nhà nước “thiệt đơn thiệt kép”.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòa, Phó giám đốc Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán nhà nước nêu ví dụ: tại Hà Nội, tháng 1.2008, tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng tuyến đường trục phía bắc Hà Đông với tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng và được đối ứng hơn 197 ha để xây dựng khu đô thị Dương Nội. Tại thời điểm bàn giao quỹ đất, cơ quan chức năng áp giá đất khoảng 8,5 triệu đồng/m2 và sau khi tuyến đường hoàn thành, giá đất lên mức 30 - 40 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều dự án BT không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và xã hội mà phục vụ lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích nhóm. Các chuyên gia đồng thời kiến nghị nếu đã triển khai dự án BT, không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng, định giá giá trị; công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát…
Theo Mai Hà (Thanh Niên Online)