Trong bối cảnh VN nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, việc mở rộng phạm vi trong thanh toán ngoại thương với đồng nhân dân tệ tại VN như kiến nghị của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ khiến các doanh nghiệp Việt về lâu dài phụ thuộc vào đồng tiền này. Trong khi nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi.
|
Cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2000-2014 (ĐVT: triệu USD) - Nguồn: Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan
|
Đã có quy định hạn chế lưu thông nhân dân tệ
Theo chuyên gia kinh tế, TS Phan Minh Ngọc, về mặt pháp lý, kiến nghị của doanh nghiệp Trung Quốc (DN TQ) không chính xác khi nói “phương thức lưu thông nhân dân tệ (NDT) chưa được pháp luật VN quy định”. Cách đây 10 năm, Chính phủ VN đã ban hành Quyết định 689/2004 về thanh toán trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa VN và TQ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích thương nhân 2 nước thanh toán xuất nhập khẩu qua biên giới Việt - Trung theo các hình thức sau: Thanh toán thông qua các NH được phép của 2 nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, theo thông lệ quốc tế; Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc đồng VN (VND) thông qua tài khoản của thương nhân TQ; thanh toán bằng VND hay NDT; thanh toán theo phương thức hàng đổi hàng (phần chênh lệch được thanh toán qua NH); việc thanh toán bằng tiền mặt (ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND, NDT) thực hiện theo hướng dẫn riêng của NHNN. Với quy định này, theo TS Ngọc, pháp luật VN đã có quy định cụ thể chỉ cho phép lưu thông NDT một cách hạn chế trên lãnh thổ của mình.
Không chỉ thế, trong những năm qua, NHNN đã nỗ lực loại bỏ vàng, USD ra khỏi phương tiện thanh toán, dần dần thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng USD. Nhằm khẳng định sự nhất quán trong việc từng bước hạn chế USD hóa, tăng cường tính tự chủ của đồng tiền quốc gia, Nghị định 160 đã nhấn mạnh nguyên tắc trên lãnh thổ VN, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ một số trường hợp được phép theo quy định. Việc thống nhất quan điểm này trong công tác quản lý ngoại hối để góp phần nâng cao vị thế của VND và hạn chế những tác động tiêu cực đến cung cầu ngoại tệ và chính sách tỷ giá, tiền tệ trong nước.
Ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, với nền kinh tế đang phát triển và có vị thế trên thế giới, TQ muốn lớn mạnh, muốn đồng tiền lớn mạnh là ý muốn bình thường của một nước lớn. Nhưng riêng chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng kiến nghị này. Trong bối cảnh VN nhập siêu và còn phụ thuộc nhiều vào thương mại từ TQ, đồng thời VN còn chưa hoàn tất tái cấu trúc và cân đối lại nền kinh tế, nếu đồng NDT được phép mở rộng thanh toán ở VN sẽ tạo điều kiện để hàng hóa nước này vào nội địa dễ dàng hơn. Mà hiện tại, thị trường trong nước đã ngập tràn hàng hóa TQ. “Là công xưởng sản xuất của thế giới, nguồn cung hàng hóa của TQ vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, nên áp lực để đưa hàng sang VN là vô cùng lớn”, ông nói.
Ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính lo ngại, trong bối cảnh VN còn nhập siêu, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để VN mở rộng sử dụng đồng NDT trong giao dịch ngoại thương với TQ. Nếu NDT được sử dụng nhiều ở VN sẽ gây nên hệ lụy khó lường. Đơn cử, nếu TQ chủ động trong việc phát hành, tung tiền ra hoặc hút tiền về, nền kinh tế của VN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. “Đây là một trong những trường hợp mà tôi cho là nguy hiểm, vì điều này có thể làm chệch hướng việc điều hành chính sách tiền tệ của chúng ta”, ông nói.
Một cựu quan chức NH cũng thừa nhận, cái lợi trước mắt khi sử dụng đồng NDT trong thanh toán với TQ là DN trong nước giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ. Nhưng về lâu dài, họ sẽ phụ thuộc vào đồng NDT. “Vì vậy, nhất thiết phải nói không với kiến nghị này”, vị này nhấn mạnh.
Bác bỏ lập luận của DN TQ rằng “đồng tiền thanh toán thương mại từ USD... được thay bằng NDT chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu”, ông Phan Minh Ngọc phân tích, nói như vậy là không xác đáng. Hiện tại, NDT vẫn là đồng tiền không được hoàn toàn tự do chuyển đổi nên xét đến tương quan lợi ích của thương nhân TQ và VN thì việc dùng NDT làm phương tiện thanh toán chủ yếu sẽ có lợi cho phía TQ hơn là VN. Cụ thể, với thương gia TQ, khi dùng NDT, họ không hứng chịu rủi ro biến động tỷ giá cũng như các loại phí liên quan đến chuyển đổi tiền tệ như trong trường hợp dùng USD hoặc một đồng tiền tự do chuyển đổi nào khác. Ngược lại, DN Việt vẫn phải chịu rủi ro biến động tỷ giá, cụ thể là VND/NDT, cũng như các loại chi phí tiền tệ liên quan. Chưa kể việc giữa nguồn thu bằng USD với nguồn thu bằng NDT thì nhà xuất khẩu trong nước sẽ chọn USD vì đồng tiền này đem lại cho họ nhiều lựa chọn, nhiều lợi ích hơn.
Quan trọng hơn, theo TS Ngọc, trên bình diện một quốc gia, việc nắm giữ một khối lượng quá lớn NDT không có tính tự do chuyển đổi, thay vì một ngoại tệ mạnh nào đó như USD, sẽ là bất lợi và rủi ro lớn cho VN khi những trường hợp xấu xảy ra.
>> Kiến nghị cho thanh toán trực tiếp tiền Trung Quốc tại Việt Nam: Rủi ro cho cả nền kinh tế
Theo Hồng Sương (Thanh Niên Online)