Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức, Việt Nam đã có sự chủ động và hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát, giữ vững mục tiêu dưới ngưỡng Quốc hội đề ra.
Năm 2024, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn như xung đột địa chính trị, bất ổn kinh tế và những tác động của biến đổi khí hậu. Và, việc duy trì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 3,63% so với năm trước không chỉ là một thành công về mặt số liệu, mà còn là minh chứng về sự điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt của Chính phủ.
Để hiểu rõ hơn về những thành tựu này và sự chuẩn bị cho năm 2025, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê.
Tạo ra một nền tảng vững chắc
- Thưa bà, năm 2024 có nhiều biến động phức tạp, vậy Tổng cục Thống kê đánh giá thế nào về các yếu tố tác động đến lạm phát của Việt Nam cũng như những biện pháp kiểm soát đã được triển khai?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Năm 2024, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. Trên thế giới, xung đột quân sự leo thang, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tỷ giá, lãi suất biến động khó lường, cùng với đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan. Lạm phát toàn cầu vẫn là một vấn đề đáng lo ngại, thể hiện qua việc lạm phát ở Mỹ tăng 2,7%, khu vực Euro tăng 2,2% và nhiều nước châu Á cũng có mức tăng đáng kể, như Ấn Độ (5,5%), Nhật Bản (2,9%).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát khá tốt. CPI tháng 12/2024 tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Để đạt được điều này, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Các hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa được đảm bảo thông suốt, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thị trường ngoại hối ổn định. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế và phí. Nhờ những nỗ lực này, giá cả hàng hóa và dịch vụ không có biến động bất thường, lạm phát được kiểm soát, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
- CPI năm 2024 biến động theo từng tháng và có nhiều yếu tố tác động khác nhau, bà có thể phân tích rõ hơn về các nguyên nhân chính làm tăng và giảm CPI trong năm vừa qua?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Diễn biến CPI năm 2024 cho thấy sự phức tạp của các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát. CPI tăng cao nhất vào tháng Hai do nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán tăng cao, sau đó giảm vào tháng Ba do nhu cầu giảm.
Từ tháng Tư đến tháng Bảy, CPI tiếp tục tăng do giá gạo, thịt lợn, xăng dầu, điện sinh hoạt và bảo hiểm y tế tăng. Đến tháng Tám, CPI ổn định, sau đó lại tăng nhẹ từ tháng Chín đến tháng 12 do giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu và nhà ở thuê tăng.
Các yếu tố chính làm tăng CPI trong năm 2024, bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá, đặc biệt là lương thực và thực phẩm; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng, chủ yếu do giá điện sinh hoạt và nhà ở thuê tăng; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng do điều chỉnh giá dịch vụ; Nhóm giáo dục tăng do tăng học phí.
Ngược lại, nhóm bưu chính viễn thông giảm giá do các chương trình giảm giá điện thoại. Có thể thấy, nhiều yếu tố đã tác động đến sự biến động của CPI trong năm 2024.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
- Với những thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2024, Tổng cục Thống kê dự báo thế nào về áp lực lạm phát trong năm 2025 và đâu là những yếu tố có thể tạo ra thách thức?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Dù đã đạt được những kết quả tích cực song chúng ta không thể chủ quan. Áp lực lạm phát năm 2025 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trên bình diện quốc tế, tình hình xung đột quân sự leo thang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí vận tải, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa. Ngoài ra, các chính sách thuế khắc nghiệt và bảo hộ thương mại có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại, gây ra lạm phát mới.
Trong nước, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu có thể tăng theo giá thế giới và biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Việc điều chỉnh giá điện, học phí, dịch vụ y tế theo hướng thị trường cũng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.
Thêm vào đó, các gói kích cầu, hạ lãi suất và đầu tư công có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá nếu không kiểm soát tốt. Cuối cùng, giá cả thường có xu hướng tăng vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tình hình có thể càng trở nên phức tạp hơn.
- Theo bà, đâu là các giải pháp quan trọng mà Việt Nam cần tập trung để tiếp tục kiểm soát lạm phát trong năm 2025 đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Để đối phó với những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung vào một số khía cạnh chính. Đầu tiên, chính sách tiền tệ cần được điều hành một cách chủ động, linh hoạt để kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Thứ hai, cần theo dõi sát sao và quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Tiếp theo, cần đảm bảo nguồn cung hàng hóa thông suốt, tăng cường sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Cùng với đó là việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, công tác dự báo cũng cần được nâng cao để ứng phó kịp thời. Chính phủ cũng cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và truyền thông về tình hình lạm phát. Những giải pháp này khi được triển khai đồng bộ và hiệu quả, sẽ giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với sự chủ động, quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua các khó khăn và giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế ổn định./.
Xin cảm ơn bà!
Theo Hạnh Nguyễn (VietNam+)