Theo các chuyên gia, cần tách bạch các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt hơn.
Dàn máy mài trục trị giá hơn 2 triệu USD tại Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân (vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ thuộc tập đoàn Vinashin, nay là SBIC) xếp xó - Ảnh: Đức Hiếu |
Trong khi đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa khẳng định “không thể gạt nợ của doanh nghiệp nhà nước ra khỏi nợ công”, nhiều chuyên gia cho rằng cần tách bạch các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt hơn.
* Ông Đinh Tuấn Minh (chuyên gia tài chính công):
Cổ phần hóa DNNN để giảm nợ công
Theo quy định, nợ công là những khoản nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và nợ được Chính phủ bảo lãnh. Do đó, các khoản nợ do DNNN tự vay tự trả không được tính vào nợ công.
Tuy nhiên, nợ của DNNN thường có khả năng trở thành nợ công nếu DN không trả được nợ. Nếu DNNN phá sản hoặc không có khả năng trả nợ, Nhà nước sẽ phải trả nợ thay vì Nhà nước là chủ sở hữu.
Dù Nhà nước không có trách nhiệm trả nợ, nhưng chủ nợ phát mãi tài sản là đất đai và nhà xưởng - tài sản của Nhà nước, Nhà nước sẽ bị mất tài sản, nói cách khác là Nhà nước trả nợ thay DNNN.
Chẳng hạn, khoản tiền 800 tỉ đồng mà Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) góp vào Ngân hàng TMCP Đại Dương bị mất do ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Nhà nước đã mất trắng một khoản tiền lớn.
Như vậy, dù có trả nợ thay hay không, ngân sách nhà nước đều bị ảnh hưởng nếu DNNN thua lỗ, phá sản. Do đó, Nhà nước phải có hệ thống giám sát và cập nhật thường xuyên các khoản nợ vay của DNNN, kể cả các khoản tự vay tự trả.
Nghị định 81 năm 2015 về công bố thông tin cũng đã yêu cầu DNNN phải báo cáo giám sát tài chính, báo cáo chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh... để cơ quan quản lý có ý kiến hay cảnh báo khi thấy đầu tư rủi ro, khả năng mất vốn... nhưng nhiều DNNN không thực hiện.
Theo tôi, giải pháp tốt nhất là quyết liệt cổ phần hóa DNNN, chỉ giữ lại vốn nhà nước ở những lĩnh vực nhạy cảm như an ninh quốc phòng, lĩnh vực mà tư nhân không muốn làm.
* Ông Hoàng Quang Hàm - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội:
Nợ tự vay của DNNN không thể đưa vào nợ công
Luật quản lý nợ công hiện hành và dự án sửa đổi luật này vẫn giữ nguyên phạm vi về nợ công, gồm ba khoản: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Dự thảo cũng ghi rõ: “Nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của DNNN, của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức kinh tế khác của Nhà nước...”.
Hơn nữa, theo Luật doanh nghiệp năm 2014, DNNN là công ty TNHH một thành viên, DN phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn và khi không trả được nợ thì phá sản.
Tuy nhiên, nếu DNNN vỡ nợ sẽ gây ảnh hưởng đến tín nhiệm quốc gia, đến an ninh tài chính quốc gia và gây hệ lụy cho nền kinh tế. Nhà nước phải có biện pháp quản lý, theo dõi chặt các khoản nợ vay của các DNNN, không chỉ các khoản nợ được bảo lãnh mà cả những khoản nợ tự vay tự trả của các DN này.
* TS Đỗ thiên Anh Tuấn - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:
Phải kiểm soát chặt các khoản nợ bảo lãnh chính phủ
Dù luật không cho phép đưa các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công, nhưng trong thực tế ngân sách nhà nước đang phải gánh những khoản thua lỗ, thất thoát lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng của các DNNN.
Bởi nếu Chính phủ không cứu, nhiều dự án sẽ đổ vỡ, gây ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế chung, thu nhập, đời sống an sinh của người dân.
Vấn đề đáng cảnh báo hiện nay là tình trạng đầu tư yếu kém của các DNNN, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và mất vốn nhà nước.
Do đó, cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ, đặc biệt là khoản nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh. Người có thẩm quyền cấp bảo lãnh theo phân cấp phải chịu trách nhiệm đối với hiệu quả của các khoản nợ được bảo lãnh...
* Chuyên gia Lê Trọng Nhi:
Minh bạch nợ công là cần thiết
Dù Chính phủ khẳng định nợ DNNN không liên quan đến nợ công nhưng mọi chuyện không phải vậy, thực tế cho thấy Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh, thu xếp nhiều khoản nợ của DNNN.
Do đó theo tôi, vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý phải nắm rõ chất lượng các khoản vay, định giá đúng tài sản DNNN, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đại diện phần vốn nhà nước tại các DNNN.
Đặc biệt, nếu DNNN làm ăn thua lỗ phải cho phá sản chứ không nên cứu, đồng thời phải đẩy nhanh cổ phần hóa, Nhà nước nên giảm tỉ lệ nắm giữ dưới 50% đối với những DNNN thuộc các lĩnh vực không cần thiết vai trò điều tiết của Nhà nước.
Theo L.Thanh - N.Bình (Tuổi Trẻ)