Hầu hết các chuyên gia và công ty chứng khoán đều nhận định tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 và 2022. Với nhà đầu tư, dài hạn mới là quan trọng và Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực, khi mọi thứ ổn trở lại.
VN-Index sẽ vượt mốc 1.400 điểm vào cuối năm 2021?
Sau những cú điều chỉnh mạnh vào tháng 7 khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát trở lại, VN-Index đã hồi phục trong tháng 8, với thanh khoản được cải thiện đáng kể, nhiều phiên đạt trên 20.000 tỉ đồng.
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng mạnh từ tháng 3.2020 (đáy của chỉ số) lên đến hơn 1.400 điểm (tháng 6.2021) nên sự điều chỉnh chắc chắn xảy ra, bởi thị trường không thể đi lên thẳng mãi. Thị trường chứng khoán điều chỉnh khi dịch bệnh bùng phát nên cuối năm sẽ tốt hơn.
Ông Lã Giang Trung - Tổng Giám đốc Passion Investment - trong quá trình tăng trưởng, các nhịp điều chỉnh là không thể tránh khỏi: “Theo thống kê, nhịp điều chỉnh bình quân là 17%/nhịp, thời gian bình quân là 6 tháng. Như thị trường Mỹ là điều chỉnh 14% từ đỉnh. Với Việt Nam từ 3.2020 đến nay có 4 nhịp điều chỉnh, gồm tháng 6 - 7.2020, 1.2021 và 7.2021, khá tương đồng với các con số trong quá khứ. Với kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, kỳ vọng khống chế COVID sớm, thị trường chứng khoán ở giai đoạn đầu tăng trưởng thì còn đi lên, thống kê cho thấy, sau nhịp điều chỉnh thì thị trường có thể lên 30-40%”.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2021 vừa công bố mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì quan điểm tích cực về triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn. VN-Index được dự báo đạt mức 1.450 điểm vào cuối năm 2021 và 1.600 điểm cuối năm 2022, đều được điều chỉnh nâng lên so với dự báo trước đó.
Trong nửa cuối năm, VCSC kỳ vọng dòng tiền sẽ luân chuyển vào các cổ phiếu tốt chưa bứt phá.
Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) cho rằng dù Việt Nam vẫn phải đối diện rủi ro tương tự với các quốc gia trên thế giới trước những diễn biến khó lường của COVID-19 nhưng thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng tích cực trong dài hạn: “Năm 2022, chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn nằm trong số các thị trường có giá trị hấp dẫn trong khu vực với PE 2022 là 13,7x theo phạm vi nghiên cứu của SSI Research”.
Kỳ vọng vào vaccine và đầu tư công
SSI Research cho biết trong dài hạn, động lực tăng trưởng chính của thị trường chứng khoán đến từ 3 yếu tố: Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bình thường trở lại trong năm 2022. Thứ hai, tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh sẽ giúp cầu tiêu dùng nội địa hồi phục. Thứ ba, chính sách tiền tệ - tài khóa sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ trong năm 2022.
SSI Research nhận định, khác với các quốc gia trên thế giới, đối với Việt Nam rủi ro lạm phát chưa đáng lo ngại trong cả năm 2021, tạo không gian cho chính sách tiền tệ có thể tiếp tục duy trì nới lỏng.
Theo đó, chính sách tài khóa có nhiều thuận lợi khi thu ngân sách đạt 58% kế hoạch và có thặng dư ngân sách khá lớn. Giải ngân vốn đầu tư công được kỳ vọng đạt 31% kế hoạch năm trong quý III/2021, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, xuất khẩu bước vào cao điểm trong nửa cuối 2021, giúp cải thiện dần cán cân thương mại. Việt Nam hiện là một trong các cường quốc xuất khẩu của thế giới với việc thị phần xuất khẩu vào Hoa Kỳ từ thứ 12 năm 2016 vượt lên thứ 6 vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, rủi ro về diễn biến của dịch bệnh COVID-19 nếu không được kiểm soát tốt có thể tác động phần nào tới hoạt động xuất nhập khẩu cũng như giải ngân đầu tư công do các quy tắc hạn chế đi lại và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, điều này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung.
Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), 3 “đầu kéo” tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công đều chưa đạt kỳ vọng trong nửa đầu năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 1,47 tỉ USD. Việc cải thiện tình hình được Agriseco dự báo là khó khăn do nhu cầu tiêu dùng quốc tế phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 và chính sách tiền tệ.
Tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và lây lan ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công là đầu kéo khả thi nhất bởi Việt Nam có thể chủ động được trong việc thúc đẩy giải ngân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Nghiên cứu của Agriseco chỉ ra rằng đầu tư công mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, có tính dẫn dắt và lan toả trên nhiều nhóm ngành. Agriseco dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính giai đoạn 2021 - 2025 nếu giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm 0,058%. Cũng trong dự báo giai đoạn 2021 - 2025, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư khối ngoài nhà nước, cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.
Theo Hải Linh (Lao Động)