Khu đất chục ngàn tỷ bế tắc, sức mạnh nhà Cương 'đô la' tụt dốc

07/07/2020 14:26:11

Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường “đô la”) lao dốc trong thời gian qua mà lỗi “không phải do công ty”. Ông Cường đã rời doanh nghiệp được vài năm, đang phát triển các dự án riêng và cũng từ bỏ CarPassion.

CTCP Quốc Cường Gia Lai nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường “đô la”) vừa công bố biên bản Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2020 với nhiều thông tin không mấy sáng sủa.

Quốc Cường Gia Lai (QCGL) cho biết doanh nghiệp đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu tăng 5% lên 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 28% lên mức 100 tỷ đồng. Đây là kế hoạch khiêm tốn so với quy mô 2.750 tỷ đồng của doanh nghiệp này. Lợi nhuận khá thấp bởi trong năm trước QCG chứng kiến lợi nhuận trước thuế giảm mạnh xuống 78 tỷ đồng, chỉ bằng 39% so với kế hoạch đề ra.

Nhưng điều đáng ngại là ở số phận của dự án lớn nhất là Dự án Phước Kiển khi mà giấy phép đầu tư sẽ hết hạn vào ngày 1/8 tới. Quốc Cường Gia Lai vẫn chìm trong khó khăn, bế tắc và doanh nghiệp dự kiến sẽ không chi trả cổ tức năm 2019 để dành nguồn vốn cho đầu tư trong bối cảnh room tín dụng bị hạn chế.

Khu đất chục ngàn tỷ bế tắc, sức mạnh nhà Cương 'đô la' tụt dốc
Một trong các dự án của QCG.

Trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm tới 8 phiên và đang hướng trở về ngưỡng 7.000 đồng/cp.

Trong 10 năm kể từ ngày lên sàn, cổ phiếu QCG liên tục biến động mạnh, nhiều lần tăng giảm 5-7 lần khiến nhiều nhà đầu tư chóng mặt, không thể đoán định triển vọng thực sự của doanh nghiệp này là như thế nào sau những thông tin ngược chiều từ ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Thông tin mới nhất được chính bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ tịch QCG đưa ra là Dự án Phước Kiển của QCG sẽ không biết đi về đâu khi mà giấy phép đầu tư sẽ hết hạn vào 1/8 tới. Trước đó, dự án này có những thời điểm mang đến kỳ vọng lớn cho các nhà đầu tư.

Hồi đầu 2017, chính thông tin về dự án này được đối tác đặt cọc mua cổ phần đã giúp cổ phiếu QCG tăng khoảng 6-7 lần từ mức dưới 5.000 đồng/cp lên gần 30.000 đồng/cp trong chỉ khoảng 1 tháng.

Cổ phiếu này sau đó cũng giảm rất nhanh, xuống trở lại ngưỡng 5.000 đồng/cp trước khi tăng vọt lên mức 10.000 đồng/cp trong tháng 3 vừa qua. QCG tăng mạnh đúng vào lúc thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo giảm mạnh giữa đại dịch Covid-19. Nhưng cổ phiếu này quay đầu giảm khi TTCK chung hồi phục.

Dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển có diện tích hơn 90ha, được kỳ vọng sẽ mang về cho QCG cả chục nghìn tỷ dồng, lợi nhuận cũng khoảng 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, dự án vẫn “đắp chiếu” và QCG đã chôn nhiều nghìn tỷ đồng vào trong dự án này, trong đó một phần không nhỏ là tiền vay ngân hàng.

Trong “con sóng” tăng giá hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3/2020, thông tin tích cực là “kỳ vọng” của giới đầu tư về QCG sẽ giống Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn sẽ được chính quyền TP.HCM tháo gỡ những khó khăn ở một số dự án bất động sản. Tuy nhiên, cho tới giờ dự án vẫn bế tắc.

 

Khu đất chục ngàn tỷ bế tắc, sức mạnh nhà Cương 'đô la' tụt dốc - 1
Cường đô la rút khỏi Hành trình siêu xe CarPassion sau 10 năm.

QCG cũng dính khá nhiều tai tiếng lùm xùm, liên quan tới việc công bố thông tin không đúng, không kịp thời và việc mua bán đất vàng giá rẻ, liên quan tới một số lãnh đạo của TP.HCM sau đó bị xử lý kỷ luật.

Sau vụ mua đất vàng không trôi, cổ phiếu QCG của nhà ông Nguyễn Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Cường) rơi vào vòng xoáy nóng, cổ phiếu bị bán tháo trên TTCK trong một thời gian dài.

Cũng sau sự việc, ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Loan đã rút khỏi mọi chức vụ tại Quốc Cường Gia Lai. Từ khi ông Cường rời đi, doanh nghiệp này vẫn chìm trong bết bát.

Trong khi Quốc Cường Gia Lai chìm ngập trong khó khăn, kinh doanh bết bát, oằn mình trả nợ, ông Cương “đô la” vẫn nổi đình đám với hotgirl và siêu xe. Sau Hà Hồ, Hạ Vi, Cường Đôla đã cưới Đàm Thu Trang và trình làng siêu xe mới.

Thông tin mới nhất, Cường đô la đã tuyên bố rút khỏi Hành trình siêu xe CarPassion sau 10 năm thành lập và tham gia.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 7/7, chỉ số VN-Index tăng tiếp thêm gần 7 điểm lên gần 870 điểm.

Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm trong một vài phiên kế tiếp. VN-index nhiều khả năng sẽ hướng đến vùng kháng cự 868-872 điểm. Tuy nhiên BVSC cũng lưu ý rằng, sau khi bứt phá mạnh qua vùng cản gần quanh 950 điểm, thị trường có thể xuất hiện các phiên điều chỉnh nhẹ trước khi tiếp tục hướng đến các vùng giá mục tiêu BVSC đề cập ở trên. Ngoài ra, đà tăng của thị trường sẽ gặp khó khăn khi thông tin kết quả kinh doanh quý II được công bố do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận dự kiến của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/7, VN-Index tăng 13,55 điểm lên 861,16 điểm; HNX-Index tăng 1,52 điểm lên 113,07 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 56,48 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 4,7 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)