Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp đang tác động mạnh tới tình hình lao động việc làm của người dân trong hơn 1 năm nay. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm , phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý 2/2021 là 49,9 triệu người, giảm 65.000 người so với quý trước.
Mất việc, tạm nghỉ việc đang khiến nguồn thu nhập của nhiều người sụt giảm mạnh, không chỉ ảnh hưởng tới chi tiêu sinh hoạt hàng ngày mà còn gánh nặng từ những khoản vay trước đó, đặc biệt là những người đã vay tiêu dùng, vay công ty tài chính với lãi suất rất cao 25-40%/năm. Vậy trong trường hợp không trả được nợ công ty tài chính do Covid-19 thì người vay nên làm gì?
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Đỗ Thành Trung, Giám đốc công ty luật NewKey cho biết, có một số tổ chức tín dụng đã thực hiện chương trình cung cấp các sự lựa chọn cho khách hàng như tái cơ cấu khoản vay, hoãn thanh toán cũng như miễn các khoản phí trả chậm.
Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và mới đây nhất là Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020.
Vì vậy, các khách hàng, người vay vốn cần nắm rõ chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của từng tổ chức tín dụng được quy định tại các văn bản nêu trên và cần liên hệ trực tiếp với tổ chức tín dụng để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.
Đối với trường hợp đã làm đơn xin cơ cấu nợ nhưng không được công ty tài chính phản hồi, người vay vẫn không trả được nợ thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Đỗ Thành Trung cho biết, tình hình dịch bệnh Covid 19 có thể được coi là trường hợp bất khả kháng và hiện nay Nhà nước cũng đã có những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Cụ thể Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ,miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng.
Như vậy, trường hợp này người đi vay đã có đơn xin cơ cấu lại khoản nợ và bên cho vay phải có nghĩa vụ xem xét giải quyết cho người vay. Khi tổ chức tín dụng đã nhận được đơn nhưng chưa trả lời cho khách hàng biết có được hay không thì khách hàng chưa bị coi là vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Vì thế không thể xử lý khách hàng trong trường này được.
Còn đối với những người vay tiền không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ là đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại điều 466 của BLDS năm 2015. Theo đó bên cho vay có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết buộc bên đi vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình theo quy định của pháp luật dân sự.
Ngoài ra người vay tiền cố tình trốn nợ có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015.
Cụ thể Điều 175 BLHS 2015 quy định: "1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Thu Thuỷ (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)