Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều 20/2, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về xây dựng đề án mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy). Đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) triển khai xây dựng trong 1 năm qua.
Lĩnh vực mới và chưa có quy định cụ thể
Hiện tại, đang có nhiều lĩnh vực liên quan tới kinh tế chia sẻ như giao thông vận tải, ngân hàng (lĩnh vực cho vay ngang hàng), xây dựng (codotel, officetel), du lịch (dịch vụ phòng ở), công thương (thương mại điện tử), khoa học và công nghệ, tư pháp, tài chính, công an.
Trên thế giới, kinh tế chia sẻ phát triển mạnh trong hơn 10 năm qua nhờ ứng dụng công nghệ số, nổi lên ở 6 nhóm ngành nghề: Vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở, bán lẻ trực tuyến, lao động việc làm, dịch vụ tài chính cho vay vốn, và quảng cáo trực tuyến.
Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh nhưng có nhiều tiềm năng. Hiện nay, trong nước đã xuất hiện các mô hình kinh tế chia sẻ như vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng.
Bộ KH&ĐT nhận định khu vực này có khả năng giúp tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường; người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn dịch vụ, sản phẩm. Nó cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân tốt hơn, tạo sự cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển và cơ cấu lại bộ máy quản lý, điều hành trong sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, mô hình cũng tồn tại những bất cập là chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời có sự giao thoa với các ngành nghề kinh doanh truyền thống gây khó cho quản lý nhà nước; khó quản lý kê khai thuế do mô hình này sử dụng hợp đồng, hoá đơn điện tử trong khi pháp luật hiện hành chỉ quy định về hoá đơn giấy.
Một bất cập nữa là hệ thống pháp luật chưa quy định về thông tin trên mạng đối với các tổ chức hay cá nhân nước ngoài có hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam, gây khó cho cơ quan quản lý khi yêu cầu các tổ chức, cá nhân này cung cấp thông tin, giao dịch tại Việt Nam để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát và thu thuế.
Hiện tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về loại hình nhưng các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ, ngành nghề trên nền tảng chia sẻ đều tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giao thông đường bộ và kể cả các luật pháp về thông tin, thương mại điện tử.
Không thu được thuế là thất bại của quản lý Nhà nước
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh thực tiễn trên thế giới chưa có quốc gia nào có pháp luật chung về kinh tế chia sẻ mà chỉ điều chỉnh riêng lẻ ở các lĩnh vực có kinh tế chia sẻ. Đây là căn cứ quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh việc tiếp cận và ứng xử với loại hình mới này.
Ông nhận định nếu để có một nghị định hay một luật để quy định chung về kinh tế chia sẻ sẽ rất khó nên cần xây dựng ngay các quy định để điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực.
Trong khi đó cũng có những lĩnh vực nhạy cảm, khó kiểm soát như cho vay ngang hàng dễ biến tướng thành cho vay nặng lãi. Trước thực trạng đó, Phó thủ tướng đề nghị quản lý Nhà nước cần sớm đối diện với những khó khăn này.
“Cách tiếp cận là tạo điều kiện cho nó ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”, ông nói.
Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng khi triển khai thì cần đi vào một số lĩnh vực rõ ràng để quản lý được.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Bùi Thế Duy đề nghị lĩnh vực nào có sự hiện diện rõ ràng của kinh tế chia sẻ thì cần sớm có các quy định pháp luật và điều chỉnh chính sách theo sự thay đổi của thực tiễn.
Vụ trưởng Vụ thanh toán của NHNN Phạm Tiến Dũng lại cho rằng không thu được thuế là thất bại của quản lý Nhà nước nên cần phải bắt tay vào để có các quy định quản lý.
“Facebook và Google là các nền tảng lớn đang thu rất nhiều tiền của chúng ta nên ta cũng phải tính toán thu thuế các đơn vị này. Một số các quốc gia trên thế giới và ngay cả khu vực như Thái Lan họ đã và đang làm”, ông nói.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao thêm cho các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc làm, hợp đồng lao động, quản lý thuế, đánh giá các tác động của kinh tế chia sẻ với kinh tế và các vấn đề xã hội.
Theo Trần Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)