Chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp Đại hội cổ đông Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sáng nay (10/5), Chủ tịch Phạm Ngọc Minh cho biết, hãng đang kiến nghị phương án được chủ động về chính sách tiền lương cho lao động kỹ thuật, chuyên môn cao như phi công. Dù chưa được thông qua, hãng vẫn tận dụng mọi khả năng hiện có để tiếp tục điều chỉnh lương, thu nhập, chế độ phúc lợi cho người lao động ở lĩnh vực đặc thù này.
"Vừa qua, chúng tôi đã công bố mức điều chỉnh lương cho phi công. Nhìn chung đã đáp ứng được 80–85% mặt bằng khu vực Đông Nam Á, lộ trình sang năm nâng lên 85-90%", ông Minh cho hay.
Năm ngoái, phi công Vietnam Airlines nhận lương tháng bình quân 132,5 triệu đồng. Chế độ lương, thưởng của phi công hãng hiện có mức trần theo các quy định của Nhà nước. Trong khi đó, các đối thủ liên tục đưa ra chính sách hấp dẫn để thu hút trong bối cảnh thị trường trong nước, quốc tế thiếu hụt lao động ở ngành đặc thù. Chủ tịch Vietnam Airlines thừa nhận, đây là một thách thức.
Ông cũng chia sẻ, không lo lắng về việc Vietnam Airlines có thể trở thành lò đào tạo phi công cho các hãng khác.
"Phải có giải pháp tổng thể, nhưng trước mắt phải giải quyết ngay các vấn đề về lương, quyền lợi. Cái gì trong khả năng của mình, Vietnam Airlines có thể giải quyết ", ông Minh nói.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn lực phi công dài hạn, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết sẽ đẩy mạnh hơn nữa chính sách đào tạo, huấn luyện chuyển lái phi công và mở rộng ra quy mô lớn hơn.
Vietnam Airlines ước tính, lợi nhuận trước thuế toàn mạng bay giai đoạn 2021 – 2025 đạt 2.219 – 3.580 tỷ đồng mỗi năm, trong đó đội tàu bay thân hẹp đóng góp từ 359 tỷ đến 1.413 tỷ đồng mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu vốn chủ sở hữu cho dự án, Vietnam Airlines dự kiến phát hành cổ phiếu để tăng vốn lên 29.500 tỷ đồng vào cuối năm 2025, đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu luôn duy trì dưới mức 3 lần trong giai đoạn 2021 – 2025.Tại cuộc họp đại hội cổ đông sáng nay, các cổ đông Vietnam Airlines cũng thông qua kế hoạch bổ sung 50 tàu bay thân hẹp mới và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 – 2025. Hãng bay này dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 3,76 tỷ USD, trong đó vốn huy động 1,35 tỷ USD, vốn chủ sở hữu 474 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm 1,93 tỷ USD.
Ngoài việc bổ sung tàu bay, Vietnam Airlines có kế hoạch bán 5 tàu bay A321 CEO sản xuất năm 2004, 2005. Định hướng của hãng là đổi mới đội tàu bay trên cơ sở thay thế dần các tàu bay trên 12 năm tuổi.
Vietnam Airlines đặt kế hoạch vận chuyển 24,9 triệu hành khách năm 2019, tăng 13,7% so với năm ngoái. Các chỉ tiêu như doanh thu, lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt trên 111.000 tỷ đồng, 3.662 tỷ đồng, tăng 12,9% và 3,8% so với năm 2018.
Hết quý I năm nay, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất gần 26.000 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 1.579 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch năm. Tuy nhiên, ông Minh vẫn nhận định, mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm là thách thức. Do đó, quý II, Vietnam Airlines sẽ cố gắng cắt giảm chi phí triệt để, tận thu để giảm lỗ vào các tháng thấp điểm.
Vietnam Airlines sẽ chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% hơn 1.418 tỷ đồng. Năm 2019, hãng hàng không này tiếp tục đặt kế hoạch trả cổ tức 8 – 10%.
Theo Anh Tú (VnExpress.net)