Gỡ vướng ở dòng tiền, pháp lý dự án
Là một trong số các chuyên gia sẽ có mặt tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho hay: Không nên dùng từ "giải cứu" thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản là thị trường khá quan trọng, quan hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế, với thị trường tài chính, tiền tệ.
“Khi thị trường bất động sản ‘ách tắc’ phải tìm cách khơi thông giống như khơi thông những mắt xích trong nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển bình ổn, bình thường của bất động sản cũng như nền kinh tế; chứ không phải chỉ là ‘giải cứu’ cho bất động sản.
Chúng ta phải tìm ‘nút thắt’ của tăng trưởng kinh tế, cũng như ‘nút thắt’ của nền kinh tế nói chung đang nằm ở đâu thì hiện ‘nút thắt’ đang nằm ở khu vực bất động sản.
Do vậy, chúng ta phải tháo gỡ ‘nút thắt’ này để phát triển, khơi thông nguồn lực, vận hành thị trường bất động sản trở lại bình thường; điều này sẽ tác động thúc đẩy kinh tế phát triển, chứ không phải chỉ để gỡ khó cho bất động sản”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, cái vướng của bất động sản hiện nay nằm ở yếu tố nguồn hỗ trợ tài chính. Các luồng dòng tiền đang bị đứt gãy, không lưu chuyển được từ bất động sản vào thị trường; hàng hóa không lưu thông được, nguồn tài chính hỗ trợ không có nên cần xem giải pháp để khơi thông nguồn tài chính, hỗ trợ tài chính, đưa sản phẩm bất động sản vào thị trường tiêu thụ, tạo ra di chuyển, luân chuyển của dòng tiền.
Tuy nhiên, để làm được việc đó, theo ông Cường, lại đang vướng yếu tố về luật pháp, pháp lý làm cho các sản phẩm không thể đưa vào thị trường, dự án không vận hành được… Do đó, cần giải quyết những vấn đề vướng mắc, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy dự án được vận hành.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng phải tự cân đối lại, cấu trúc lại các nguồn lực, cấu trúc lại cơ cấu đầu tư để làm giảm các khâu bị phân tán nguồn lực. Đồng thời, lựa chọn những phân khúc phù hợp để sớm đưa vào thị trường.
Chỉ bơm tiền mà dự án không có thì không ổn
Là một doanh nghiệp bất động sản, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property) đánh giá, các cuộc họp về tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước tuần trước hay hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững sắp diễn ra… đều là những động thái tích cực, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Trong đó, theo ông Toản, vấn đề về vốn và pháp lý là hai yếu tố lớn cần phải xử lý.
“Hiện chưa có chương trình, hành động cụ thể nào, chỉ chủ yếu là doanh nghiệp đề xuất.
Cần hoàn thiện khung pháp lý cho các dự án để đảm bảo thị trường phát triển ổn định. Còn nếu chỉ bơm vốn vào thị trường mà dự án không có thì cũng không ổn.
Pháp lý rất quan trọng, hiện các dự án đang tắc rất nặng nề về mặt pháp lý, không tháo gỡ khó khăn pháp lý của các dự án sẽ rất khó. Chẳng hạn, Luật Đất đai và Luật Đầu tư ‘vênh’ nhau khi thực hiện. Lúc thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo Luật Đầu tư thì được phép, nhưng khi áp Luật Đất đai để bàn giao đất cho nhà đầu tư thì lại vướng…”, ông Toản nói.
Cùng với đó, ông Toản nêu thực tế lãi suất quá cao. “Nếu được phép vay cũng không dám vay vì làm cũng chết, vay cũng chết mà không hiệu quả, trong khi thị trường đang khó khăn, đầu ra các sản phẩm không bán được. Bất đắc dĩ dự án đang triển khai dở dang phải làm tiếp tục, còn lại đa phần nằm im chờ thời, không dại đi vay bây giờ”, ông Toản nói thêm.
Theo vị lãnh đạo này, muốn giải quyết vấn đề bằng phương án thực tế nên có những gói hỗ trợ lãi suất cụ thể dành cho các đối tượng mua nhà như với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Có thể có những gói tín dụng giống như gói 30.000 tỷ đồng sẽ kích cầu thị trường.
Tuy nhiên, ông Toản cũng cho rằng, Nhà nước đưa ra định hướng nhưng bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng phải tự chủ, phải vận động, tự cơ cấu lại sản phẩm, nguồn vốn, dự án để phù hợp với tình hình thị trường chung.
“Khi nguồn cung không có nhưng nhu cầu ở thực vẫn có, những đối tượng này chỉ đáp ứng khoản tiền vừa phải 2-3 tỷ đồng mua nhà để ở; chứ người ta không có nguồn tiền hàng chục tỷ để mua biệt thự ở ngoại ô hay khu đô thị mới để ở… nên cần điều chỉnh lệch pha cung-cầu”, ông Toản cho biết thêm.
Theo Nguyễn Lê (VietNamNet)