Theo nội dung tố cáo, vợ chồng anh Trung có gửi 5 sổ tiết kiệm tại một ngân hàng có chi nhánh ở An Giang, với tổng trị giá hơn 43,5 tỷ đồng. Trong đó, 3 sổ đứng tên anh Trung, 2 sổ đứng tên vợ anh này với kỳ hạn 6 tháng.
Đầu tháng 7, đến ngày đáo hạn sổ tiết kiệm, vợ chồng anh Trung phát hiện mất cả 5 cuốn sổ tiết kiệm. Liên hệ với ngân hàng, anh Trung được biết toàn bộ số tiền trong 5 sổ tiết kiệm đã được chuyển cho ông Phước và bà Hồng.
Ngày 6/7, vợ chồng anh Trung trình báo với Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh An Giang và sau đó nhận được 2 văn bản trả lời do Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng ký. Phía ngân hàng xác định, ngày 1/6, anh Trung và vợ đã đến chi nhánh của ngân hàng tại Cần Thơ yêu cầu chuyển nhượng các sổ tiết kiệm. Một ngày sau, chi nhánh An Giang (nơi vợ chồng anh Trung mở sổ) đã nhận được bản chính đề nghị chuyển quyền sở hữu các sổ tiết kiệm nêu trên và thực hiện chuyển cho ông Phước, bà Hồng theo đề nghị và đúng quy trình.
Ngày 21/7, vợ chồng anh Trung làm đơn tố giác gửi tới Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ. Ngoài việc tố giác cha mình, vợ chồng anh Trung cho rằng một số nhân viên ngân hàng đã thông đồng với ông Phước chiếm đoạt tiền thông qua việc lừa ký chứng từ khống chuyển nhượng 5 sổ tiết kiệm, trị giá trên 43 tỷ đồng.
Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã yêu cầu ngân hàng phong toả tạm thời tài khoản tiền gửi của vợ chồng ông Phước. Qua tài liệu xác minh và chứng cứ cung cấp của ông Phước cho thấy, tất cả tài sản và các giấy tờ có giá trị, sổ tiết kiệm được giao dịch chi nhánh An Giang đều mang tên Lê Đình Trung và Tiêu Mỹ Ngọc là tài sản của vợ chồng ông Phước.
Thông báo của Văn Công an TP Cần Thơ. Ảnh: M.A. |
Giải trình với cơ quan công an, vợ chồng ông Phước cho biết, Trung sống chung với cha mẹ từ nhỏ, lớn lên lập gia đình và đã một căn nhà riêng. Hàng ngày, Trung vẫn đi làm cho doanh nghiệp của ông Phước để hưởng lương.
Vừa qua, vợ chồng ông đi nước ngoài thăm con cháu. Sợ rủi ro nên họ cho vợ chồng Trung đứng tên nhờ 5 sổ tiết kiệm có kỳ hạn để lấy lãi (2 sổ 10 tỷ, 1 sổ 8 tỷ, 1 sổ 7,979 tỷ và 1 sổ 7,2 tỷ) tổng cộng khoảng hơn 43,5 tỷ. Các sổ tiết kiệm này gửi có thời hạn 6 tháng. Sau khi lấy 5 sổ tiết kiệm trên, ông Phước giao cho người anh thứ 2 của Trung quản lý. Theo ông Phước, trường hợp ông có hữu sự thì anh em Trung sẽ được hưởng số tiền trên.
Sau khi đi nước ngoài, ông Phước đã yêu cầu Trung ký tên chuyển trả 5 sổ tiết kiệm trên sang tên vợ chồng ông. Tuy nhiên, thời điểm đó vợ chồng Trung đang ở Cần Thơ. Ngày 1/6, ông Phước đã liên lạc yêu cầu Trung đến chi nhánh Cần Thơ ký các thủ tục chuyển tên 5 sổ tiết kiệm.
Ông Phước cũng trình bày, cuối tháng 5/2016, Trung và vợ đã vay tiền, chơi hụi và lấy nhiều giấy tờ nhà đất của gia đình ông thuế chấp bên ngoài vay hơn 11 tỷ đồng. Vợ chồng ông Phước phát hiện, số tiền (cả lãi và gốc) đã trên 14 tỷ đồng. Vợ chồng ông Phước đứng ra thương lượng nợ trả hết. Sau đó, Trung tự nguyện đề nghị giao trả lại cho vợ chồng ông bằng hợp đồng cho tặng nhà đất và ký tên chuyển trả lại 5 sổ tiết kiệm để tránh phiền phức về sau.
Cũng theo ông Phước, khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 6, trước khi vợ chồng đi Cần Thơ, Trung có xin lỗi gia đình và mong cha mẹ tha thứ, cho tiền trả nợ với số tiền lớn…
Theo Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ, qua xác minh việc tố cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên không khởi tố vụ án hình sự do không có sự việc phạm tội.
Theo Minh Anh (Zing.vn)