Quy hoạch điện VIII chính là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án nguồn, dự án lưới điện, bên cạnh đó cũng tháo gỡ những bất cập về cơ chế giá trong khi các nhà đầu tư không còn cơ hội hưởng giá (FIT).
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ thời điểm Nhiệm vụ lập Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt (ngày 1/10/2019) đến nay nhưng Quy hoạch Điện VIII vẫn chưa được chính thức phê duyệt.
Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra ngày 22/4, ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, các doanh nghiệp thành viên của Amcham đang có những quan ngại về sự chưa ổn định trong chính sách về điện của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch.
"Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi việc này", ông Greg Testerman nói.
Nhiều nhà đầu tư đang ngóng Quy hoạch điện VIII - Ảnh minh họa, nguồn: internet |
Tâm lý chờ Quy hoạch Điện VIII của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng cũng như các nhà đầu tư nội đã thể hiện nhiều tháng qua là điều không quá khó lý giải.
Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt, nên nhiều dự án nguồn điện hay truyền tải chưa nằm trong các quy hoạch điện trước đó đành phải “đứng im”. Đơn cử như, 50 dự án truyền tải điện cấp bách được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liệt kê từ giữa năm 2020 sau khi thuê tư vấn tính toán, rà soát, giờ vẫn trong trạng thái “đề xuất”.
Với điện gió ngoài khơi, dù Việt Nam được đánh giá là rất có tiềm năng phát triển lĩnh vực này, nhưng bởi Quy hoạch Điện VIII chưa được duyệt, nên cũng chưa dự báo được tương lai tới năm 2030 sẽ ra sao.
Ngoài những vấn đề trên thì hàng loạt các nhà đầu tư cũng đang chờ gỡ vướng cơ chế về giá cho phù hợp. Ngày 10/3 vừa qua, đã có 36 nhà đầu tư (đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp) cùng ký tên trong một đề nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.871,62 MW (4.184,8 MW điện gió và 491,82 MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch (dự án chuyển tiếp).
Việc chậm tiến độ cũng có nghĩa là các dự án này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TT (điện gió), Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (điện mặt trời).
Trong số này, tính tới tháng 3/2023, ghi nhận 34/84 dự án chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 2.091MW (gồm 28 dự án điện gió có tổng công suất khoảng 1.638MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MWac) đã hoàn tất thi công, hoàn thiện thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.
Tổng vốn đầu tư của 34 dự án này lên tới gần 85.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 58.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân hàng. Bởi vậy, nếu không có cơ chế hợp lý, thì sẽ có nguy cơ đổ vỡ tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi được vốn.
Giải thích về vấn đề này tại tại Hội nghị với các nhà đầu tư nước ngoài (ngày 22/4), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quy hoạch điện VIII là một trong số ít quy hoạch ngành, quốc gia của Việt Nam được triển khai từ năm 2019, đến nay đã gần 4 năm, qua 4 lần dự thảo và đến nay cơ bản được hoàn thiện, đáp ứng được những nguyên tắc cơ bản.
Hiện, Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn, chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay. Sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện.
Theo Minh Quang (Kienthuc.net.vn)