Không đặt cược tiền gửi của dân vào bất động sản

10/03/2016 10:06:11

Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về câu chuyện sửa đổi Thông tư 36. Liên quan đến phản ứng của giới kinh doanh và Hiệp hội Bất động sản (BĐS) về việc siết dòng vốn chảy vào BĐS, cơ quan này cho hay không quên bài học đắt giá vẫn còn nguyên giá trị về tập trung cho vay BĐS trong giai đoạn 2006-2010 rồi tự đẩy ngân hàng vào trạng thái rủi ro quá mức lâm vào tình trạng phá sản.

Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về câu chuyện sửa đổi Thông tư 36. Liên quan đến phản ứng của giới kinh doanh và Hiệp hội Bất động sản (BĐS) về việc siết dòng vốn chảy vào BĐS, cơ quan này cho hay không quên bài học đắt giá vẫn còn nguyên giá trị về tập trung cho vay BĐS trong giai đoạn 2006-2010 rồi tự đẩy ngân hàng vào trạng thái rủi ro quá mức lâm vào tình trạng phá sản.

NHNN trấn an thị trường BĐS, không nên quá lo lắng vì chỉ điều chỉnh những dự án và đối tượng đầu cơ mạnh.

Không muốn lịch sử nợ xấu và đổ vỡ lặp lại

Liệu chúng ta có tiếp tục đặt sự tồn vong, tiền đồ của hệ thống ngân hàng và đặt cược tiền gửi của nhân dân vào rủi ro của thị trường BĐS? – Ngân hàng Nhà nước đặt vấn đề trong thông tin phát đi tối ngày 8/3.

Theo NHNN, một thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững cần phải có nhiều các chính sách, giải pháp hỗ trợ và quản lý của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Thị trường BĐS không thể phát triển lành mạnh, bền vững nếu chủ yếu dựa vào vốn vay của ngân hàng, trong đó người tham gia thị trường bao gồm chủ đầu tư dự án BĐS cho đến người tiêu dùng cuối cùng, nhà đầu tư đều dựa vào vốn vay ngân hàng. Đặc biệt là không ít nhà đầu tư có năng lực tài chính yếu kém, thậm chí không có vốn chủ sở hữu để đầu tư BĐS.

NHNN cho biết: xin lưu ý rằng, thứ nhất, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng dành cho lĩnh vực BĐS chưa từng giảm, kể cả giai đoạn khó khăn nhất, thị trường BĐS đóng băng (dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS tăng 14% năm 2012, tăng 15,4% năm 2013, tăng 19,3% năm 2014 và 26% năm 2015). Khi thị trường phục hồi, cần thu hút các nguồn vốn khác trong xã hội để thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và giảm thiểu rủi ro cho cả phía ngân hàng cũng như nhà đầu tư. Thứ hai,  cấu trúc tín dụng hiện nay cho thấy ngân hàng đang tài trợ vốn cho cả bên cung và bên cầu về BĐS, điều này cho thấy tín dụng ngân hàng cho BĐS chịu rủi ro cả từ 2 phía của thị trường.

Mục tiêu của NHNN xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 36 là để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS hoạt động và phát triển hiệu quả, bền vững. “Xét cho cùng, đã từ lâu hoạt động ngân hàng đã gắn với thị trường BĐS và để ngân hàng bớt phụ thuộc vào nó không dễ gì và phải làm từng bước nhưng không phải không làm được. Vì vậy, nhất định phải làm vì sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng và thị trường BĐS”, NHNN nhấn mạnh.
 
Ai sợ quy định mới của Thông tư 36

Ai sợ quy định mới tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 nhất? NHNN chỉ ra: Chắc chắn là người đầu cơ BĐS và chủ đầu tư BĐS có năng lực tài chính yếu kém. Đây cũng là 2 đối tượng dễ đẩy thị trường BĐS phát triển không lành mạnh và hình thành bong bóng BĐS, nếu không có chính sách và biện pháp quản lý hữu hiệu. Người mua nhà để ở, người thuộc các đối tượng tham gia các chương trình, chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ và người mua BĐS không vì mục tiêu kinh doanh không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi quy định của Thông tư 36.

Cụ thể hơn, cơ quan này phân tích: Giả định mọi yếu tố khác không thay đổi, với quy mô và cơ cấu nguồn vốn tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung-dài hạn bình quân của hệ thống các TCTD là 31% (đang có chiều hướng tăng nhanh) thì các TCTD vẫn còn có khả năng cấp tín dụng trung, dài thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực BĐS với số tiền lên đến khoảng 540 nghìn tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ này 40% theo quy định của dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36.

Điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% ảnh hưởng trực tiếp không đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn, theo đó tỷ lệ an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống các TCTD giảm từ 13% xuống 12,1%. Với tỷ lệ an toàn vốn bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2015 là 13% thì các TCTD vẫn còn có thể cho vay kinh doanh BĐS với số vốn bổ sung lên đến khoảng 650 nghìn tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ an toàn vốn 9%.

“Việc điều chỉnh quy định tại Thông tư 36 ảnh hưởng không đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào thị trường BĐS. Vấn đề là người đầu tư, kinh doanh BĐS có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay vốn để các TCTD rót vốn đầu tư không”- NHNN khẳng định.      

BĐS phục hồi tốt, tín dụng đến lúc thận trọng

Theo NHNN, đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 393 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho lĩnh vực BĐS thì tổng dư nợ của các TCTD cho lĩnh vực BĐS là 478 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn. Bên cạnh đó, vốn tín dụng, đầu tư của hệ thống ngân hàng cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng tăng mạnh. Trong đó, hầu hết các khoản tín dụng cho lĩnh vực BĐS có kỳ hạn trung, dài hạn. “Thị trường BĐS đã có đà phục hồi tốt, đã đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS”, NHNN khẳng định.


Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)