"Có thể có các trường hợp người Việt Nam mua bất động sản tại Mỹ nhưng không làm phát sinh dòng tiền chảy từ Việt Nam sang Mỹ...", NHNN nhận định.
Người Việt Nam lọt vào top 10 mua nhà ở Mỹ
Trước đó, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố, từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, người nước ngoài đã chi 153 tỉ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ.
Trong đó, số tiền người Việt Nam mua bất động sản tại Mỹ giai đoạn này chiếm 2%, tương đương khoảng 3,06 tỉ USD, đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2016 (năm 2016 người Việt Nam mua bất động sản chiếm 1%). Đây là khảo sát trực tuyến với nhiều đối tượng khác nhau.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, theo Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định 70/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối... việc chuyển tiền ra nước ngoài của cá nhân cho các mục đích chuyển tiền một chiều không bao gồm chuyển tiền cho mục đích mua bất động sản.
Tuy nhiên, trong trường hợp chuyển tiền cho mục đích định cư ở nước ngoài, Ngân hàng nhà nước nhận thấy cá nhân có thể sử dụng số tiền được chuyển để mua bất động sản ở nước ngoài phục vụ mục đích định cư. Việc mua bất động sản trong trường hợp này là do cá nhân tự quyết định.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều của cá nhân trên cơ sở kiểm tra, kiểm soát các chứng từ liên quan.
Thực tế triển khai, đối với mục đích du học, TCTD được phép căn cứ vào thông báo (hóa đơn) của trường học nước ngoài về số tiền học phí, sinh hoạt phí của du học sinh.
Đối với mục đích chữa bệnh ở nước ngoài thì căn cứ vào hóa đơn nộp viện phí của bệnh viện ở nước ngoài. Ngoài ra, việc kiểm tra chứng từ cũng được thực hiện tương tự đối với các mục đích chuyển tiền một chiều khác.
Các văn bản pháp luật hiện hành kiểm soát dòng tiền từ Việt Nam ra nước ngoài. Ảnh minh họa. |
Theo số liệu báo cáo từ các tổ chức tín dụng (TCTD), tổng số ngoại tệ do cá nhân Việt Nam chuyển ra nước ngoài cho các giao dịch vãng lai trong năm 2015 khoảng 2,26 tỉ USD, trong đó số tiền chuyển cho mục đích thừa kế, định cư là 523,7 triệu USD; cho, biếu tặng khoảng 307,76 triệu USD; du học, chữa bệnh, du lịch, thăm viếng chiếm phần lớn với con số 1,4 tỉ USD.
Năm 2016 tổng số tiền chuyển ra nước ngoài cho các giao dịch nêu trên là khoảng 858,8 triệu USD, trong đó số tiền chuyển cho mục đích thừa kế, định cư là 143,7 triệu USD; tiền chuyển cho mục cho, biếu tặng khoảng 74,46 triệu USD; tiền chuyển cho mục đích du học, chữa bệnh, du lịch, thăm viếng xấp xỉ 640,6 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số ngoại tệ cá nhân chuyển ra nước ngoài cho các giao dịch vãng lai nêu trên khoảng gần 419 triệu USD, trong đó chuyển tiền cho mục đích định cư là 61,8 triệu USD; chuyển cho mục đích trợ cấp thân nhân là 22,3 triệu USD; số tiền 150,3 triệu USD chuyển cho mục đích du lịch, học tập, chữa bệnh, công tác ở nước ngoài, mục đích khác là 184,4 triệu USD.
Theo pháp luật Việt Nam, trường hợp tổ chức, cá nhân chuyển tiền để đầu tư ra nước ngoài (trong đó bao gồm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản) cần tuân thủ các quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Mua bất động sản ở Mỹ không chỉ người Việt sống ở Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư (Bộ chủ quản về quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho các dự án), đến nay, đã có 1.252 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 21,4 tỉ USD.
Trong đó đầu tư sang Mỹ có 171 dự án với tổng vốn đăng ký là 706,5 triệu USD chiếm 3,3% tổng vốn đăng ký.
Đến thời điểm hiện tại có 16 dự án đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Mỹ với tổng vốn đăng ký là 228,8 triệu USD (chiếm 26,26% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chiếm 32,3% tổng vốn đầu tư đầu tư sang Mỹ).
Tính đến đến ngày 30-6-2017, số vốn đầu tư đã chuyển sang Mỹ của các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản là 166,5 triệu USD. Vốn đầu tư chuyển về nước là 19,6 triệu USD. Lợi nhuận và thu nhập hợp pháp khác chuyển về nước là 6,57 triệu USD.
Riêng năm 2017, có 3 dự án được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp phép đầu tư sang Mỹ lĩnh vực kinh doanh bất động sản với số vốn đăng ký là 15,1 triệu USD...
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài đã đầy đủ, đảm bảo chặt chẽ, hạn chế các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp.
Theo NHNN, các đối tượng người Việt mua nhà tại Mỹ từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017 có thể bao gồm; người Việt Nam sống tại Việt Nam; người Việt Nam định cư, sinh sống hoặc làm việc lâu dài tại nước thứ 3 (ngoài nước Mỹ); người Việt Nam nhập cư tại Mỹ dưới hai năm tính đến thời điểm mua bất động sản từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017; Người Việt Nam học tập, lao động, thăm thân tại Mỹ được cấp visa có thời hạn dưới 6 tháng.
Trong các đối tượng nêu trên, có thể có các trường hợp người Việt Nam mua bất động sản tại Mỹ nhưng không làm phát sinh dòng tiền chảy từ Việt Nam sang Mỹ bao gồm: Người Việt Nam cư trú, sinh sống, làm việc tại Mỹ và nước ngoài nhưng chưa có quốc tịch Mỹ và dùng thu nhập tại nước ngoài để mua bất động sản tại Mỹ; Người Việt Nam sử dụng kênh trung gian chuyển tiền bất hợp pháp để mua nhà tại Mỹ.
"Do đó, nhận định có 3,06 tỉ USD chuyển từ Việt Nam sang Mỹ để mua bất động sản trong năm qua là chưa có cơ sở...", NHNN khẳng định.
Liên quan đến các quy định về quản lý ngoại hối, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về các dòng tiền ra, vào lãnh thổ Việt Nam, NHNN khẳng định đã có đầy đủ các quy định giám sát việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Khi thực hiện các giao dịch ngoại hối, TCTD có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các chứng từ đảm bảo việc thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài đúng mục đích và phù hợp với các quy định của pháp luật, hạn chế các trường hợp chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bất hợp pháp. Bên cạnh đó, đã có các quy định về phòng, chống rửa tiền và quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài... |
Theo Viết Long (Pháp Luật TP.HCM)