Không chỉ The KAfe, nhiều startup khác cũng “bán mình” cho nước ngoài sau khi gọi vốn ngoại

01/11/2016 09:51:00

Việc một startup Việt sau khi gọi vốn ngoại trở thành doanh nghiệp FDI không phải câu chuyện mới mẻ. Cốc Cốc, Vntrip, Huy Việt Nam, The KAfe, Wrap & Roll… là những ví dụ điển hình.

Việc một startup Việt sau khi gọi vốn ngoại trở thành doanh nghiệp FDI không phải câu chuyện mới mẻ. Cốc Cốc, Vntrip, Huy Việt Nam, The KAfe, Wrap & Roll… là những ví dụ điển hình.
 
Không chỉ The KAfe, nhiều startup khác như Wrap & Roll, Vntrip cũng “bán mình” cho nước ngoài sau khi gọi vốn ngoại

The KAfe đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

Động thái nói trên diễn ra sau đúng 1 năm kể từ khi startup này công bố huy động được 5,5 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài và diễn ra cùng thời điểm với việc The KAfe tiến hành tăng vốn điều lệ từ 16 tỷ đồng lên 224,8 tỷ đồng và chuyển đổi thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Tuy nhiên thực tế thì The KAfe đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài từ 1 năm trước. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 7 cấp ngày 1/10/2015, The KAfe đã được sở hữu 100% bởi Kafe (Hong Kong) Limited.

Cách thức này cũng được áp dụng với một chuỗi ẩm thực khác là Huy Việt Nam, doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng và startup về du lịch Vntrip.vn.

Theo đó, công ty Huy Việt Nam được sở hữu 100% bởi công ty Huy Vietnam (Hong Kong) Limited; Vntrip được sở hữu bởi công ty Cty TNHH One Strip OTA.

Chuỗi ẩm thực Wrap & Roll sau khi nhận vốn đầu tư từ Mekong Capital cũng trở thành doanh nghiệp FDI với việc công ty Inquisity Pte Ltd có trụ sở tại Singapore sở hữu 78,3% cổ phần. CEO Nguyễn Thị Kim Oanh vẫn giữ lại 20,58% cổ phần.

Tương tự, Công ty Cốc Cốc – chủ quản của công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc – cũng đang do công ty Singapore Coc Coc Pte Ltd sở hữu 99,75% vốn.

Như vậy, việc một startup Việt sau khi gọi vốn ngoại trở thành doanh nghiệp FDI không phải câu chuyện mới mẻ.

Đằng sau câu chuyện đó là gì?

Có thể thấy, trong mô hình này, các công ty Kafe (Hong Kong) Limited và Huy Vietnam (Hong Kong) Limited đóng vai trò là công ty trung gian nhận vốn từ nhà đầu tư rồi rót vốn vào các pháp nhân trực tiếp vận hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Hong Kong và Singapore vẫn được đánh giá là các thiên đường thuế trung chuyển dòng vốn từ nhà đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ thế, tại khu vực Đông Nam Á, quốc đảo sư tử cũng được cho là một trong những quốc gia lý tưởng nhất để khởi nghiệp nhờ vào môi trường kinh doanh thân thiện, thị trường minh bạch, tài sản sở hữu trí tuệ được tôn trọng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tốt.

"Bán mình" là một trong những lựa chọn của người sáng lập khi bắt đầu ý tưởng startup. Dù sau đó người sáng lập có ở lại với doanh nghiệp hay không thì các nhà đầu tư cũng yêu cầu một cơ sở pháp lý gọn gàng. Hiện nay, mở công ty tại Singapore thậm chí còn trở thành thành tiêu chuẩn của một số quỹ đầu tư ngoại khi lựa chọn dự án khởi nghiệp. Vì thế, việc thành lập pháp nhân ở các nước này để rót vốn về đơn vị kinh doanh tại Việt Nam đã trở thành một làn sóng trong cộng đồng startup.

Với những trường hợp trở thành doanh nghiệp FDI sau khi gọi vốn thành công như The KAfe, các cổ đông sáng lập của startup có 2 lựa chọn: hoặc bán hết cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc hoán đổi cổ phần để sở hữu cổ phần tại pháp nhân thành lập ở nước ngoài (hiểu nôm na là đầu tư ra nước ngoài).

Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành tại Việt Nam thì việc đầu tư vốn ra nước ngoài không hề đơn giản, đặc biệt là đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Cho nên lựa chọn thứ 2 có lẽ chưa phù hợp. Dù thế, trên sàn niêm yết chứng khoán Việt Nam từng có một trường hợp hoán đổi thành công cổ phần cho pháp nhân nước ngoài, đó là CTCP Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) và Mass Noble. Trong thương vụ này, Bộ Kế hoạch đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho Đức Long Gia Lai với số vốn 249 tỷ đồng.

Một cách thức đơn giản hơn là cổ đông sáng lập của startup tiếp tục sở hữu cổ phần của mình tại pháp nhân trong nước và vẫn là cổ đông của “đứa con tinh thần” giống như Nguyễn Thị Kim Oanh của Wrap&Roll. Còn Đào Chi Anh, cô không còn sở hữu cổ phần nào của The KAfe, rời bỏ vị trí CEO và không còn tham gia vào hoạt động kinh doanh của the KAfe cũng như KAfe Group.

Theo Minh Châu (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật