Bộ trưởng Tài chính Pháp mới đây đã đề xuất rằng nên có một cuộc tranh luận về Bitcoin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm tới tại Buenos Aires (Thủ đô Argentina). Bên cạnh một số chính phủ có chính sách cởi mở với cryptocurrency và tỏ ra đồng ý với đề xuất này, vẫn còn đâu đó nhiều ý kiến trái chiều của các quan chức hàng đầu các nước về đồng tiền mã hóa này.
Cụ thể, phát biểu trên kênh LCI, Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Bruno Le Maire cho biết: “Tôi sẽ đề xuất với quốc gia kế nhiệm G20 tiếp theo, Argentina, hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 4, để chúng ta cùng thảo luận về Bitcoin. Rõ ràng Bitcoin chứa đầy những dấu hiệu của sự đầu cơ. Chúng ta cần phải xem xét cũng như tìm cách giải quyết. Với tất cả các thành viên G20, chúng ta cần họp bàn để đưa ra phương án quản lý đồng tiền này”
Cũng là vị này ngay tuần trước đã có vài lời khen tặng với Bitcoin sau khi đồng tiền này phá đỉnh 20.000 USD. Ông nói: “Việc sử dụng công nghệ mới này sẽ cho phép các công ty fintech và các chủ thể tài chính khác phát triển nhiều cách thức kinh doanh chứng khoán mới nhanh, rẻ, minh bạch và an toàn hơn.”
Phải nói rằng, đà tăng trưởng vượt bậc của Bitcoin trong năm nay đã thu hút rất nhiều sự chú ý không chỉ ở các phương tiện truyền thông mà còn từ các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các chính phủ trên toàn cầu đang tiếp cận cryptocurrency và công nghệ Blockchain đứng đằng sau đồng tiền mã hóa này theo nhiều khía cạnh.
Ví dụ, đối với Tổng thống Mauricio Macri của Argentina - nước chủ nhà G20 năm tới thì vị này tỏ ra thận trọng với Bitcoin:“Công nghệ đang tăng trưởng nhanh, chứa đựng cả cơ hội lẫn thách thức. Chúng tôi muốn đảm bảo việc áp dụng các tiến bộ công nghệ không dẫn tới hành vi loại trừ kinh tế hoặc các phản ứng tiêu cực khác”
Trước đó, Tổng thống Marci đã từng tiếp nhận ý tưởng về cryptocurrency một cách cởi mở. Đó là vào cuối tháng 11 khi nhà đầu tư Bitcoin là Tim Draper đã tổ chức cuộc họp với ông Macri và một cố vấn của ông. Trong suốt cả cuộc họp, dường như ông Macri đã khá nắm rõ những gì cryptocurrency có thể mang lại cho nền kinh tế. Như kết quả, trong cùng tháng đó, sàn giao dịch Forex của Argentina tuyên bố sẽ ra mắt các hợp đồng tương lai Bitcoin.
Tương tự như ông Bruno Le Maire và Mauricio Macri tại Pháp và Argentina, đã có nhiều quốc gia đã quy định khung pháp lý cho cryptocurrency ví dự như Mỹ và Nhật Bản. Cho đến nay, chỉ có một vài quốc gia ban hành lệnh 'cấm tiệt' Bitcoin, tiêu biểu như Morocco và Bolivia.
Tuy nhiên, sự công nhận vẫn chưa là rộng rãi trong chính G20 bởi ví dụ như ở Hàn Quốc, Chính phủ có thể sẽ tiếp bước Trung Quốc đàn áp các sàn giao dịch cryptocurrency. Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Canada, ông Stephen S. Poloz thì cho biết mình lại bị mất ngủ bởi những thổi phồng về Bitcoin. Trong khi đó, Chủ tích Quỹ Dự Trữ Liên Bang Mĩ – Janet Yellen cho rằng Bicoin chưa có vai trò gì nổi trội trong nền kinh tế toàn cầu.
Nhấn mạnh sự thiếu đồng thuận trên toàn cầu về cryptocurrency, Thống đốc ngân hàng Pháp, Francois Villeroy de Galhau cũng phản bác quan điểm cho rằng Bitcoin là tiền tệ. Tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào tháng trước, ông nói với các khách tham dự: “Chúng ta cần phải rõ ràng điều này, Bitcoin không phải là một loại tiền tệ. Các đồng cryptocurrency là một tài sản đầu cơ. Giá trị và sự biến động cực đoan của nó không có cơ sở kinh tế, và chúng không phải là trách nhiệm của ai cả”
G20 là tổ chức bao gồm các ngân hàng trung ương, các lãnh đạo đến từ 19 quốc gia khác nhau và Liên minh Châu Âu, bao gồm cả Argentina, Úc, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Mỹ.
Theo Nhất Hạnh (Thời Đại)