Gia sản khủng của anh em nhà tỷ phú Trần Đình Long
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) mới đây đã công bố thông tin về việc chuyển quyền sở hữu cổ phiếu HPG.
Theo đó, bà Đỗ Thị Giới, mẹ ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát đã chuyển quyền thừa kế hết toàn bộ 742.356 cổ phiếu đang sở hữu sang cho 3 người con của mình gồm ông Trần Đình Tân (anh trai ông Trần Đình Long), ông Trần Đình Thăng (anh trai ông Trần Đình Long) và bà Trần Ánh Tuyết (em gái ông Trần Đình Long). Thời gian giao dịch được thực hiện là 24.4.
Trước đó, cả 3 người anh, em của ông Trần Đình Long đều không sở hữu cổ phiếu HPG. Sau khi chuyển quyền thừa kế, bà Đỗ Thị Giới cũng không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát.
Số cổ phần nói trên được chia thành 3 phần bằng nhau, mỗi người được nhận 247.452 cổ phiếu HPG, tương ứng giá trị khoảng 13,9 tỷ đồng vào thời điểm diễn ra giao dịch.
Tính tới thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 27.4, giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG là 53.800 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị số cổ phiếu mà 3 người anh, em của tỷ phú Trần Đình Long được nhận thừa kế vào khoảng 40 tỷ đồng.
Theo phương án chia cổ tức năm 2017 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát được HĐQT thông qua, các cổ đông của Hòa Phát sẽ được chia cổ tức với tỷ lệ 40%, chi trả hoàn toàn bằng cổ phiếu, thời gian thực hiện trong Quý II hoặc III.2018.
Còn trong năm 2018, Hòa Phát dự kiến kế hoạch doanh thu toàn Tập đoàn đạt 55.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt toàn Tập đoàn đạt 8.050 tỷ đồng. Cổ tức kế hoạch dự kiến 30%.
Với mức chi trả cổ tức nêu trên, 3 anh, em của tỷ phú Trần Đình Long sẽ nhận thêm hàng chục nghìn cổ phiếu HPG trong năm 2018 và 2019.
Về phía tỷ phú USD Trần Đình Long, hiện ông này đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Hòa Phát. Đồng thời, ông Trần Đình Long cũng là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát khi nắm giữ 381.557.138 cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% vốn cổ phần công ty này.
Khối lượng cổ phiếu mà ông Long nắm giữ có giá thị trường khoảng 20.528 tỷ đồng, đưa ông Long xếp thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thêm vào đó, mức thu nhập từ thù lao hàng năm của ban lãnh đạo Hoà Phát cũng thuộc hàng cao nhất Việt Nam. Một số doanh nghiệp có tiếng chịu chi như FPT hay Vinamilk cũng chỉ trả quanh mức 20 tỷ đồng cho HĐQT, hay PVGas là 13,5 tỷ đồng trong năm 2016.
Theo tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ năm 2018 của Hòa Phát, ban lãnh đạo tập đoàn này dự kiến trình thông qua kế hoạch trả thù lao cho HĐQT 80 tỷ đồng, tương đương 1% lợi nhuận sau thuế và thưởng 101 tỷ đồng (tương ứng 5% phần vượt kế hoạch lãi sau thuế) cho ban điều hành trong năm 2017.
Với số lượng thành viên ban điều hành là 10 người, bình quân mỗi người nhận được 10 tỷ đồng trong năm 2018. Ngoài ra với 80 tỷ đồng thù lao cho 9 thành viên HĐQT, bình quân mỗi người nhận gần 8,9 tỷ đồng trong năm 2018.
Như vậy, tỷ phú USD Trần Đình Long sẽ nhận được khoảng 18,9 tỷ đồng tiền thù lao và thưởng.
Theo thống kê của Forbes, tổng tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long tính tới ngày 30.4.2018 là 1,16 tỷ USD.
Còn bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long cũng là cổ đông lớn tại Hòa Phát. Bà Hiền đang sở hữu 110.522.391 cổ phiếu HPG, tương đương 7,2% cổ phần. Hiện tại, với gần 6.000 tỷ đồng, bà Hiền đang đứng vị trí thứ 8 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Theo thống kê, cổ phiếu HPG của Công ty CP Hòa Phát đã tăng trưởng trên 70% trong năm 2017 và tiếp tục tăng trên 12% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018.
Tài sản đại gia trong tay ngân hàng
Từ lâu, việc sử dụng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm đã được các tỷ phú tại Việt Nam áp dụng trong hoạt động huy động vốn để kinh doanh.
Tương tự một số tập đoàn, công ty khác, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long cũng đang sử dụng cổ phiếu của một số thành viên HĐQT như một tài sản đảm bảo cho các khoản vay của mình.
Tại ngày 31.12.2017, báo cáo tài chính của Hòa Phát cho biết các khoản vay ngắn hạn bằng VND và USD với giá trị ghi sổ tương ứng là 5.884,319 tỷ đồng và 1.781,685 tỷ đồng (ngày 1.1.2017 là 4.172,503 tỷ đồng và 334,194 tỷ đồng). Và các khoản vay này cũng được đảm bảo bằng một số hàng tồn kho, tài sản cố định, chi phí trả trước dài hạn của Tập đoàn và một số cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (cổ phiếu HPG) thuộc sở hữu của một số thành viên HĐQT của công ty. Tuy nhiên, Hòa Phát không thuyết minh chi tiết chủ nợ các khoản vay ngắn hạn này và số cổ phiếu thế chấp.
Còn nợ dài hạn của Hòa Phát đến cuối năm 2017 là 1.651,49 tỷ đồng. So với đầu năm 2017, con số này tăng 70%, từ mức 972,2 tỷ đồng. Vay dài hạn của Hòa Phát được huy động từ một số ngân hàng, quỹ và cá nhân gồm: vay Viettinbank 22,7 tỷ đồng, lãi suất 7,9%, đáo hạn năm 2021; vay BIDV 24,7 tỷ đồng, lãi suất 9,7%, đáo hạn 2019; vay Vietcombank 132,3 tỷ đồng, lãi suất 7,6%, đáo hạn 2020; vay HSBC Việt Nam 784 tỷ đồng, lãi suất 6,93% - 7,02%, đáo hạn năm 2022; vay ANZ Việt Nam 274,9 tỷ đồng, lãi suất 7,3%, đáo hạn năm 2020; vay từ cá nhân 400 tỷ đồng, lãi suất 9,6%-12,6%, đáo hạn năm 2019...
Hầu hết các khoản vay dài hạn từ ngân hàng đều được đảm bảo bằng một số mặt hàng tồn kho của tập đoàn.
Trước đó, năm 2015, HĐQT HPG đã thông qua việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Đình Long dùng cổ phiếu của mình để đảm bảo cho Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát (là công ty của HPG) được vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công với hạn mức vay là 600 tỷ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tài sản được sử dụng để đảm bảo cho khoản vay là 3 triệu cổ phiếu HPG. Giá trị tài sản đảm bảo là 60 tỷ đồng. Như vậy, tính theo giá trị khoản vay, cổ phiếu HPG được định giá ở mức 20.000 đồng mỗi cổ phiếu, chỉ bằng khoảng 70% thị giá hiện tại (28.800 đồng).
Theo Nguyên Phương (Dân Việt)