Nhân viên ngân hàng tự tất toán?
Trình bày của bà Nguyễn Thị Trinh gửi đến báo Tiền Phong cho biết, bà là khách hàng lâu năm của Ngân hàng TMCP Việt Á. Ban đầu, bà gửi nhiều sổ tiết kiệm với số tiền khác nhau theo hình thức góp nhặt, có bao nhiêu gửi bấy nhiêu. Năm 2010, bà gộp các sổ tiết kiệm lại. Đến thời điểm tháng 5/2011, bà có 2 cuốn sổ tiết kiệm tại ngân hàng này. Cuốn thứ nhất số 1502000001250337(gọi tắt 125) được lập ngày 26/8/2010 với số tiền là 70.000USD gia hạn lần 1 ngày 26/11/2010 và gia hạn lần hai vào ngày 26/2/2011. Cuốn thứ 2 mang số 1501000002600337 (sổ 260), số tiền gốc là 70.985,81 USD, ngày gửi là 29/1/2011, đã gia hạn 1 lần vào ngày 29/4/2011.
Tuy nhiên, vào ngày 26/5/2011, khi đến kỳ đáo hạn cuốn sổ tiết kiệm thứ nhất mang số 125, có số tiền gốc là 70.000 USD, bà Trinh ra ngân hàng làm thủ tục gia hạn thì bị ngân hàng từ chối với lý do, sổ tiết kiệm của bà đã được tất toán vào ngày 29/1/2011. Lúc này, bà Trinh mới tá hỏa. Sổ tiết kiệm vẫn nằm trong tay, bà chưa hề làm thủ tục tất toán bất cứ cuốn sổ tiết kiệm nào, vì sao ngân hàng lại trả lời bà như thế?
Theo hồ sơ và các chứng từ liên quan mà bà Trinh cung cấp thì, cuốn sổ tiết kiệm số 125, được lập ngày 26/8/2010 với kỳ hạn 3 tháng. Ngày 26/11/2010 bà Trinh ra ngân hàng gia hạn và nhập lãi vào vốn. Sau khi đối chiếu sổ sách, nhân viên ngân hàng đã nhập lãi 770USD, đồng thời gia hạn và điều chỉnh lãi suất kỳ gửi mới là 5%/năm (kỳ hạn 26/11/2010 đến 26/2/2011). Ngày 26/2/2011, bà Trinh tiếp tục ra ngân hàng đáo hạn lần 2 cuốn sổ tiết kiệm này. Lần này số lãi được nhập vào gốc là 884,63 USD, lãi suất được điều chỉnh cho kỳ hạn mới là 5,5% (từ 26/2/2011 đến 26/5/2011).
“Không thể có chuyện tôi đã tất toán sổ tiết kiệm vào ngày 29/1/2011, tức là 4 tháng trước đó và trước cả lần đối chiếu sổ sách để nhập lãi vào vốn khi tôi ra làm thủ tục đáo hạn ngày 26/2/2011”, bà Trinh nói.
Hầu kiện 5 năm vẫn chưa đòi được tiền
Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Thị Trinh cho biết, sau khi bà khiếu nại thì Ngân hàng Việt Á chi nhánh Đà Nẵng đã có văn bản số 855/CV– CNĐN/11 ngày 19/10/2011 trả lời với nội dung: Ngân hàng chỉ công nhận cuốn sổ tiết kiệm số 260 có hiệu lực. Còn sổ tiết kiệm số 125 đã được tất toán vào ngày 29/1/2011 và chuyển thành sổ tiết kiệm mới số 260, chính là cuốn sổ tiết kiệm thứ 2 của bà.
Cũng trong văn bản Việt Á gửi cho bà Trinh, ngân hàng này cho rằng, sở dĩ bà Trinh còn giữ 2 cuốn sổ tiết kiệm là bởi vì khi tất toán bà không mang theo sổ tiết kiệm, nhân viên ngân hàng tiến hành tất toán cho bà Trinh và cũng quên thu hồi sổ tiết kiệm cũ. Vì chưa thu hồi sổ cũ nên đến kỳ đáo hạn, phía ngân hàng quên chưa đối chiếu sổ sách nên vẫn tiếp tục nhập lãi vào vốn và tiếp tục sổ tiết kiệm này cho kỳ hạn tiếp theo.
Không đồng ý với cách giải thích và giải quyết của Ngân hàng Việt Á, bà Nguyễn Thị Trinh đã làm đơn kiện ngân hàng này ra Toà án nhân dân Q1, TPHCM. Ngày 24/1/2014, vụ việc được toà xét xử sơ thẩm và ra bản án số 05/2014/DS – ST với phần thắng kiện thuộc về bà Trinh. Bản án quyết định Ngân hàng TMCP Việt Á phải chi trả cho bà Trinh số tiền gửi theo sổ tiết kiệm số 125 ngày 26/8/2010 là 76,426 USD.
Bản án cho rằng tại khoản 1 điều 15 Quy chế tiền gửi tiết kiệm ban ngày năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và thể lệ tiền gửi của Ngân hàng Việt Á in ở mặt sau cuốn tiết kiệm được ngân hàng này phát hành thì khi tất toán sổ tiết kiệm như rút vốn, lãi hoặc chuyển sổ mới khách hàng phải hội đủ 3 điều kiện: Nộp sổ tiết kiệm đang có hiệu lực, xuất trình chứng minh nhân dân và ký tên đúng với chữ ký mẫu khi gửi tiền.
“Do đó, khi bà Trinh đến ngân hàng để làm thủ tục tất toán tài khoản cũ và mở tài khoản mới thì không thể có việc ngân hàng không thu sổ tiết kiệm cũ, cụ thể là sổ tiết kiệm số 125” - bản án kết luận. Đến phiên toà phúc thẩm ngày 14/7/2014, TAND TPHCM tiếp tục ra bản án số 871/2014/DSPT quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm và yêu cầu phía Ngân hàng Việt Á phải thanh toán cho bà Trinh số tiền gửi tiết kiệm 76.426 USD, trong đó tiền vốn là 70.000 USD và tiền lãi tính đến ngày 24/1/2014 là 6.424 USD. Thế nhưng, từ đó cho đến nay bà Trinh vẫn chưa nhận được đồng nào.
Trước sự việc trên, trao đổi với Tiền Phong đại diện Ngân hàng Việt Á cho biết, ngày 12/5/2015, Toà án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã có quyết định huỷ toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm của TAND TPHCM và sơ thẩm của TAND quận 1, về vụ án “tranh chấp hợp đồng dân sự tiền gửi sổ tiết kiệm” trên.
“Tất cả các hồ sơ giấy tờ và chứng cứ tôi đều lưu giữ và cung cấp đầy đủ, chứng minh được mình không hề làm các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm. Vậy thì vì sao tiền cuốn sổ tiết kiệm của tôi bị “bốc hơi”, “không cánh mà bay” được?”. Bà Nguyễn Thị Trinh |
Tiếp vụ “bỗng dưng” mất 43 tỷ trong sổ tiết kiệm: Ngân hàng Việt Á làm đúng? Liên quan đến thông tin “Bỗng dưng mất 43 tỷ trong sổ tiết kiệm” đăng tải trên Tiền Phong ngày 1/10, đại diện Ngân hàng Việt Á (VAB) đã lên tiếng về vụ việc và cho rằng phía ngân hàng làm đúng. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Lê Quý Hiển, Phó phòng quan hệ công chúng VAB nói, anh Trung là người chủ động lên VAB Cần Thơ yêu cầu chuyển nhượng sổ tiết kiệm. “Ngày 31/5, anh Trung lên VAB Cần Thơ yêu cầu chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Nhân viên tại đây mới gọi về cho VAB ở An Giang, sau đó VAB An Giang gửi email về lại Cần Thơ để nhân viên ở đây in ra đưa cho anh Trung ký rồi gửi bưu điện về An Giang. Ngân hàng đã làm thủ tục chuyển nhượng đúng với quy định của pháp luật”, ông Hiển nói. Còn việc anh Trung nói vợ chồng anh bị nhân viên ngân hàng đưa giấy trắng cho ký, ông Hiển khẳng định ngân hàng đưa mẫu đã có đầy đủ thông tin và lần đầu làm giấy tờ sai do thay đổi mẫu mới mà nhân viên không cập nhật kịp. Về việc anh Trung mở sổ ở An Giang mà đến Cần Thơ làm giấy chuyển nhượng, người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng không ở chung một nơi mà ngân hàng vẫn làm thủ tục. Ông Hiển cho rằng, hai người ở hai nơi khác nhau vẫn có thể làm giấy tờ được, chỉ cần có đủ chữ ký và có sổ. “Giao dịch chuyển nhượng chỉ cần có đủ các chữ ký “tươi” (chữ ký của khách hàng trực tiếp vào giấy chuyển nhượng – PV) và có sổ”, ông Hiển nói. Còn người đem sổ tiết kiệm lên không đứng tên chủ sổ nhưng ngân hàng không thông báo cho anh Trung, không phải chủ sổ mang sổ lên ngân hàng vẫn được chuyển nhượng? Ông Hiển không trả lời trực tiếp câu hỏi mà nhắc lại: “Chỉ cần đủ chữ ký tươi và có sổ”. Ngô Bình |