Apple và Microsoft là những công ty lâu đời nhất trong số những ông lớn công nghệ hiện đại, được thành lập vào giữa những năm 1970. Khi còn trẻ, Messrs, Jobs và Gates tỏ rõ sự không ưa nhau trong nhiều năm.
Jobs đã có lúc cáo buộc Microsoft ăn cắp ý tưởng của Apple hay dè bỉu một sản phẩm được thiết kế kém của đối thủ. Họ đã công khai đình chiến vào khoảng năm 1997 ngay sau khi Jobs quay trở lại điều hành Apple. Năm đó, Gates đã đầu tư 150 triệu USD vào Apple, mang lại nguồn tiền mặt rất cần thiết và là cứu cánh cho lần trở lại thứ hai của Jobs.
Đã có lúc Jobs cho rằng sự cạnh tranh trở nên không lành mạnh. Ông từng đưa ra phát biểu trong một cuộc phỏng vấn chung với Bill Gates vào năm 2009 rằng: "Nếu đây là một trò chơi có tổng bằng 0, nơi mà Apple thắng thì Microsoft phải thua và ngược lại thì Apple cũng thua. Chúng tôi đã cố gắng hàn gắn lại mọi thứ". Đây là thời điểm mà gã khổng lồ phần mềm ở vị thế lớn hơn nhiều.
Cho đến gần đây, thế hệ lãnh đạo mới ở cả hai công ty dường như có xu hướng giữ hòa khí một cách công khai. Tim Cook tiếp quản lại công việc của Jobs tại Apple vào năm 2011 và Nadella trở thành Giám đốc điều hành của Microsoft vào năm 2014. Một trong những hành động công khai lớn đầu tiên của Nadella là đưa các ứng dụng Office của tập đoàn này lên máy tính bảng iPad của Apple.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây cả Microsoft và Apple dường như lại sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu, khởi động lại cuộc chiến. Tờ WSJ đánh giá, động thái này sẽ gây ảnh hưởng không chỉ tới những công ty công nghệ khác mà cả chính khách hàng của họ.
Apple – công ty đang trong cuộc chiến pháp lý với Epic Games đã tố Microsoft là kẻ giật dây đằng sau vụ việc nhà sản xuất trò chơi. Trong khi đó, phía Epic Games cáo buộc Apple có các hành vi phản cạnh tranh, trong khi Microsoft đổ lỗi cho Apple đã hạn chế khả năng tiếp cận người dùng trên dịch vụ game của riêng mình.
Microsoft đụng đến "kho báu" 53,7 tỷ USD của Apple
Mới đây, việc Microsoft tung ra phiên bản Windows 11 kể từ lần cuối cập nhật vào năm 2015 đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất lại không phải những tính năng mới mẻ mà hệ điều hành này mang lại, thay vào đó là lời tuyên chiến của Microsoft thẳng vào mô hình kinh doanh nền tảng của Apple, hãng sản xuất điện thoại iPhone.
Đầu tiên, thông tin Windows 11 không được hỗ trợ chính thức trên Mac đã được giới truyền thông loan tin từ trước đó. Cụ thể Microsoft đã chọn tăng yêu cầu phần cứng để chạy Windows 11, qua đó khiến nhiều sản phẩm của Apple không đáp ứng được yêu cầu hoặc phải dùng thủ thuật để thích ứng.
Bởi vậy ngay cả khi bạn có máy Mac với các thế hệ bộ vi xử lý Intel gần đây nhất, bạn có thể sẽ không thể chạy Windows 11 trên đó, ít nhất là không chính thức.
Tuy nhiên đây chưa phải là vấn đề gì quá to tát bởi người dùng vẫn có thể sử dụng thủ thuật máy ảo để chạy Windows 11 trên máy Mac của Apple. Điều khiến Tim Cook nổi điên là hệ điều hành Windows 11 chính thức ra mắt cuối năm nay sẽ được tích hợp Windows Store, một chợ ứng dụng cho phép các nhà phát triển dùng hệ thống thanh toán riêng của mình mà không cần trả phí cho Microsoft.
Ứng dụng này sẽ cho phép người dùng tìm và chạy những nền tảng Android của điện thoại trên máy tính cá nhân, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn với Apple Store vốn có khoản lệ phí cao tới 30%.
Trên thực tế, ai cũng biết App Store là một trong những "quân bài" tăng trưởng cốt lõi của Apple ở mảng Dịch vụ. Trước đó, mảng này mang về doanh thu 53,7 tỷ USD trong năm tài chính 2020 của Apple, kết thúc tháng 9/2020.
Như vậy Windows 11 chẳng khác gì một lời tuyên chiến trực diện của Micrososft vào chính "kho báu" của táo khuyết. Xin được nhắc rằng Apple vốn nổi tiếng việc thu phí nhà sản xuất khi chỉ cho phép người dùng tải các ứng dụng từ chợ Apple Store của họ.
Theo hãng tin Reuters, cuộc chiến này được dự đoán sẽ vô cùng căng thẳng khi một bên là Micrososft, doanh nghiệp mới đạt mức vốn hóa 2 nghìn tỷ USD còn bên kia là Apple, tập đoàn duy nhất của Mỹ trước đó từng đạt mức vốn hóa 2 nghìn tỷ USD. Không dừng lại đó, Windows Store còn thách thức cả Play Store của Alphabet (Google), ứng dụng thu phí tương tự như Apple nhưng trên hệ máy Android.
"Windows luôn là đồng minh về vấn đề bản quyền của những nhà phát triển cũng như đại diện quyền lợi cho người tiêu dùng", CEO Satya Nadella của Microsoft nhấn mạnh.
Trọng tâm của cuộc tranh cãi hiện tại là sức mạnh kiểm soát của Apple với vai trò như 1 người gác cổng quyết định những gì được phép phân phối trên iPhone. Microsoft đã lên tiếng chỉ trích những giới hạn mà họ cho là cản trở sự phát triển của mảng kinh doanh trò chơi điện tử đang bùng nổ của riêng mình.
Năm nay, Microsoft đã ủng hộ nhà thiết kế trò chơi điện tử Epic Games kiện Apple với cáo buộc về những hành vi phản cạnh tranh mà công ty có trụ sở tại Cupertino, California đã phủ nhận. Apple thu tới 30% doanh số bán hàng khi ứng dụng được tải xuống thông qua App Store.
Epic Games đã mời Lori Wright, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh về trò chơi, truyền thông và giải trí của Microsoft, làm nhân chứng để kể về nỗ lực thất bại của bà trong việc đưa dịch vụ phát trực tuyến trò chơi điện tử đi kèm có tên là Game Pass Ultimate lên App Store của Apple. Bà cho biết, Apple đã đối xử với sản phẩm của Microsoft theo cách khác với cách họ xử lý các dịch vụ phát hành trực tuyến do các công ty khác như Netflix cung cấp.
Trong đơn gửi lên tòa án, Apple đã cố gắng làm giảm độ khả tín trong lời khai của bà và đưa ra nghi vấn về động cơ của các nhân chứng khác do Epic Game đưa ra, và cho rằng Microsoft đang giật dây đằng sau hành động pháp lý của Epic Games.
Một thẩm phán dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trên tổng thể về vụ kiện này trong những tuần tới.
Tương lai ra sao?
Patrick Moorhead, chủ tịch của công ty công nghệ Moor Insights & Strategy nhận định về tình hình hiện nay: "Microsoft và Apple đã từng là kẻ thù không đội trời chung hoặc kẻ thủ đội lốt bạn bè, điều này diễn ra liên tục và bây giờ họ quay trở lại thành kẻ thù".
Cuộc chiến không chỉ dừng lại giữa 2 ông lớn 2 nghìn tỷ. Trong khi bước đi của Microsoft thách thức cả Apple và Google thì trước đó, nhà táo khuyết đã có bước đi tuyên chiến với cả Facebook.
Nhưng không có một tranh chấp nào với các công ty trên được đi vào lịch sử như cách Apple và Microsoft đối đầu nhau.
Mọi thứ cũng đang trở nên nóng hơn khi cả Apple và Microsoft đều đang chuẩn bị tuyên bố chiến thắng trên phân khúc thị trường dịch vụ thực tế ảo vẫn còn non trẻ, trong thời đại mà thông tin kỹ thuật số phủ sóng rộng khắp thế giới thực. Microsoft đã bắt đầu bán sản phẩm tai nghe HoloLens trong khi Apple dự kiến sẽ công bố thiết bị mới của mình ngay trong năm sau.
Nguồn: WSJ, Bloomberg
Theo Vân Đàm (Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)