Khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, vì sao PVN phải bù lỗ nghìn tỷ?

18/08/2016 14:44:00

Cơ chế ưu đãi thuế và bao tiêu sản phẩm khiến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng khi dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) đi vào vận hành.

Cơ chế ưu đãi thuế và bao tiêu sản phẩm khiến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng khi dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) đi vào vận hành.
 
Khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, vì sao PVN phải bù lỗ nghìn tỷ?
Bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Trong một báo cáo mới đây của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), Vụ này thông tin rằng, ngày 28/7 vừa qua, Cục tài chính doanh nghiệp đã chủ trì làm việc với PVN để trao đổi, làm rõ, tính toán tổng chi phí hỗ trợ dành cho dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn theo nguyên tắc chỉ tính những hỗ trợ đặc biệt dành riêng cho dự án như cam kết hỗ trợ nhập khẩu 7%/5%/3% theo 4 kịch bản giá dầu 30/40/50/75 USD/thùng, tiền hỗ trợ các hạng mục công trình hỗ trợ trực tiếp, thuế nhập khẩu dầu thô 0%...

Tính toán tổng hợp lợi ích thu được của PVN khi tham gia dự án, chênh lệch hiệu quả dự án giữa 2 phương án có/không có hỗ trợ từ Chính phủ để làm cơ sở xác định tác động đến số lỗ của PVN.

Theo đó, số bù lỗ của PVN do bao tiêu sản phẩm được xác định, nếu giả định phương án giá dầu là 45 USD/thùng, PVN sẽ phải bù lỗ là 1.540 triệu USD/10 năm, tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng/năm. Tương tự, với kịch bản giá dầu là 50 USD/thùng, 70 USD/thùng số bù lỗ lên đến 4.000 tỷ đồng/năm; 4.500 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, về số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho dự án để đầu tư các hãng mục công trình như đê chắn sóng, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng… được xác định lên đến 3.833 tỷ đồng.

Lợi nhuận thu được với tư cách cổ đông của với giả định giá dầu thô 45 USD/thùng dự kiến PVN thu được 716 triệu USD/10 năm, tương đương khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.

Nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng PVN thu được 641 triệu USD/10 năm tương đương 1.400 tỷ đồng/năm. Như vậy, khi dự án đi vào hoạt động PVN có thể phải bù lỗ bình quân từ 1.800 – 2.500 tỷ đồng/năm, chưa tính 3.833 tỷ đồng nêu trên.

Sẽ như Dung Quất, lọc dầu Nghi Sơn tiếp tục xin cơ chế?

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do công ty TNHH lọc hoá dầu Nghi Sơn thực hiện và công ty này, PVN đóng góp 25,1% cổ phần mức này thấp hơn 10% so với 2 công ty đến từ Cô-oét và Nhật Bản là Kuwait Petroleum Europe B.V và Idemitsu Kosan, cao hơn Mitsui Chemicals Inc (Nhật Bản) với 4,7%.

Tại dự án này, các thoả thuận giữa PVN và Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) gồm Hợp đồng liên doanh và điều NSRP, thoả thuận bao tiêu sản phẩm, thoả thuận về thanh toán phần chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu trong đó cam kết lớn nhất của Chính phủ cho nhà máy là cơ chế thuế nhập khẩu 7%/5%/3% và bảo lãnh nghĩa vụ PVN bao tiêu sản phẩm của NSRP. Do vậy, khả năng cao nhà máy sẽ tiêu thụ 100% sản lượng sản phẩm xăng, dầu trong nước để được hưởng ưu đãi theo cam kết của Chính phủ.

Nếu áp dụng theo biểu thuế ưu đãi đặc biệt với ASEAN, ngay từ năm 2017 khi dự án đi vào vận hành, PVN sẽ phải bù 5% đối với dầu diesel, 2% đối với xăng Jet A-1 và bù lỗ 7% đối với xăng, xăng Jet A-1; 5% đối với diesel từ năm 2024.

Chính chênh lệch về mức thuế áp dụng kể trên, tại dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, PVN thời gian vừa qua đã nhiều lần xin cơ chế hỗ trợ cho nhà máy này.

Chưa tính đến con số mà PVN có thể phải bù lỗ, thậm chí một số chuyên gia kinh tế cũng  tỏ ý lo ngại rằng, sản phẩm mà lọc dầu Nghi Sơn tạo ra chưa chắc đã đạt được chất lượng để PVN bao tiêu theo đúng cam kết.

Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, điểm mấu chốt lọc dầu Nghi Sơn do một số các nhà đầu tư PVN, Kuwait Petroleum Europe B.V, Idemitsu Kosan… góp vốn đã được Chính phủ Việt Nam chấp nhận những khoản ưu đãi rất lớn và cam kết nếu lỗ PVN thay mặt Chính phủ Việt Nam bù lỗ.

“Những ưu đãi này đã được chấp nhận khi chưa xét đến hàng loạt FTA sắp ký kết và nay chuẩn bị có hiệu lực trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và FTA Việt Nam – Hàn Quốc đã có hiệu lực”, ông Doanh nói.

Nêu quan điểm về vấn đề này, trên trang cá nhân, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, trường hợp công ty bị thua lỗ thì tất cả các cổ đông công ty sẽ đồng chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ góp vốn tuy nhiên, trường hợp nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lại chỉ có PVN chịu trách nhiệm bù lỗ và bù lỗ chéo cho các cổ đông khác.

“Tôi không hiểu công ty chủ đầu tư Dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động trong khuôn khổ của loại hình công ty gì mà lạ quá. Đứng ở góc độ các cổ đông khác thì đây quả là dự án tuyệt vời: lời bỏ túi, lỗ người khác bù”, ông Tuấn cho biết. 

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)