Khi bị truyền thông thổi phồng quá mức, dịch virus corona trở thành 'vũ khí' của ai?

04/02/2020 09:30:22

Khi thị trường kinh tế toàn cầu chuẩn bị đón nhận sự bình ổn trở lại sau khi Brexit ngã ngũ và Mỹ tiến hành một thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu tiên với Trung Quốc, sự bùng phát của virus corona đã một lần nữa kéo mọi thứ vào vòng xoáy đi xuống.

Khi bị truyền thông thổi phồng quá mức, dịch virus corona trở thành 'vũ khí' của ai?
Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc cũng khiến nước này bị tổn hại về kinh tế.

Xét trên khía cạnh y tế, virus corona bùng phát từ Vũ Hán là một dịch bệnh đáng báo động. Nó cần có sự chung tay của mọi quốc gia để ngăn chặn sự lây lan. Nhưng chiếu theo khía cạnh khách quan về kinh tế, Mỹ sẽ là quốc gia vô tình được hưởng lợi từ điều này, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.

Trong bối cảnh virus corona bùng phát, Bắc Kinh đã có những nỗ lực rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc quốc gia châu Á có rất ít nguồn lực để ngăn chặn thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh trong tuần này, với chỉ số Hang Seng của Trung Quốc đã giảm 6% chỉ trong vài ngày đầu tiên tâm lý hoang mang về dịch bệnh diễn ra.

Virus corona chủng 2019-nCoV không phải là dịch bệnh đầu tiên khiến thị trường giảm trong thập kỷ qua. Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các nền kinh tế là điều dễ hiểu, vì Trung Quốc - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - vừa là nhà sản xuất vừa là quốc gia tiêu thụ hàng hóa hàng đầu. Họ đã phải cách ly nhiều thành phố vì dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến thương mại với phần còn lại của thế giới.

Thổi phồng

Trong quá trình phản ánh tình hình dịch bệnh, các phương tiện truyền thông toàn cầu dường như đã phản ứng thái quá, đặc biệt là khi virus corona cho đến nay vẫn chưa thể hiện những đặc tính nguy hiểm như một số người lo ngại, cây bút Tim Korso viết trên tờ Sputnik.

Denis Rancourt, một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Tự do Dân sự Ontario cho rằng, tất cả các đại dịch cúm lịch sử nhận được sự chú ý lớn của công chúng thường có từ "một triệu ca tử vong trở lên". Trong khi dịch virus corona mới hiện chỉ gây ra vài trăm ca tử vong, ít hơn nhiều so với cảm lạnh thông thường ở các thành phố lớn của phương Tây.

Về cơ bản, Trung Quốc đã có sự cẩn trọng tối đa trong việc nỗ lực ngăn chặn sự lây lan ra các khu vực của đất nước. Tuy nhiên, nếu so về tỷ lệ tử vong ở con số 1,5%, chủng virus corona mới hoàn toàn không là gì so với tỷ lệ tử vong của đợt bùng phát chủng virus corona (MERS) trước đó ở Trung Đông vào năm 2012, với tỷ lệ tử vong 39%. 

Giống như các đợt bùng phát virus trước đây ở Trung Quốc, như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002 và "cúm gà" năm 2013, chủng virus corona xuất phát từ Vũ Hán đã trở thành tâm điểm đưa tin trên truyền thông .

Ai hưởng lợi, ai bị hại?

Khi bị truyền thông thổi phồng quá mức, dịch virus corona trở thành 'vũ khí' của ai? - 1
Dịch virus corona có thể trở thành một cơ hội cho phương Tây trước Trung Quốc hay không?

Sự chú ý quá lớn của truyền thông toàn cầu đối với dịch virus corona mới đã bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Một số công ty Mỹ, bao gồm Google, Starbucks và Apple, gần đây đã tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng, nhà máy và cửa hàng tại Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Nhiều quốc gia, như Mỹ, Australia và Nga đã đưa ra các hạn chế về kết nối giao thông với quốc gia châu Á trong bối cảnh lo ngại rằng người dân và khách du lịch Trung Quốc có thể mang theo virus mới.

Các phản ứng nói trên cùng với việc một số thành phố của Trung Quốc bị phong tỏa đã gây nguy hiểm cho vị thế của cường quốc châu Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kevin Dowd, giáo sư tài chính và kinh tế tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Durham ở Anh, tin rằng một số quốc gia có thể lợi dụng sự hỗn loạn của dịch bệnh để tạo lợi thế bằng cách gây áp lực lên Trung Quốc.

Dowd nói rằng những hạn chế nhất định đối với quyền tự do đi lại của công dân Trung Quốc đã được áp đặt và đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi những hạn chế tương tự được thực hiện đối với hàng hóa từ nước này.

"Nếu một quốc gia muốn tìm kiếm lý do để áp đặt các rào cản thương mại hơn nữa đối với Trung Quốc, thì virus corona là cái cớ rất phù hợp. Nhiều người nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không làm như vậy, nhưng khi nói đến lợi ích thương mại thì điều gì cũng có thể xảy ra. Các trường hợp tương tự trong quá khứ có thể coi là ví dụ", ông nói.

Ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế của Trung Quốc, dịch virus corona còn phát sinh vào thời điểm rất nhạy cảm đối với nước này – đó là ngay sau khi họ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ và ngay trước khi bắt đầu bước vào đàm phán giai đoạn thứ hai.

Giáo sư Dowd tin rằng Washington "hoàn toàn có thể" sử dụng dịch virus mới để thúc đẩy các điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn hai có lợi hơn cho mình.

"Trong các cuộc đàm phán thương mại, bất kỳ công cụ nào đánh bại được đối thủ đều được coi là trò chơi công bằng, ngay cả khi việc sử dụng nó thực sự không nên. Điều này đặc biệt dễ xảy ra trong bối cảnh u ám hiện nay khi cả hai bên đều cho thấy họ sẵn sàng sử dụng tiểu xảo khi mức độ tin tưởng lẫn nhau đã giảm mạnh", giáo sư nói thêm.

Tuy nhiên, đi ngược quan điểm này, chuyên gia Denis Rancourt lại cho rằng, mặc dù Trung Quốc thực sự được coi là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, nhưng không chắc thỏa thuận thương mại giữa hai bên sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự bùng phát virus.

Nhưng ông cũng dự đoán 2019-nCoV vẫn có thể được sử dụng như một "cơ hội địa chính trị" để cô lập Trung Quốc.

"Trên thực tế, vũ khí gây hỗn loạn (tạo tâm lý sợ hại về dịch bệnh trên truyền thông) có thể tạo ra các phản ứng kỳ thị Trung Quốc ở nhiều trung tâm phương Tây. Nó có thể được giới chính trị Mỹ khai thác để hỗ trợ các chính sách ứng phó với Trung Quốc, bao gồm các chính sách bảo hộ", Rancourt tuyên bố.

Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)