Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ bỏ hẳn xăng A92 thay bằng xăng sinh học E5 tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Các tỉnh thành còn lại phải có tối thiểu 50% cây xăng trên địa bàn bán xăng sinh học E5.
Đánh giá về đề xuất này, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho rằng, đề xuất của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam phù hợp với chiến lược của Chính phủ về việc sử dụng xăng sinh học E5 nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
Nhiều cửa hàng xăng dầu triển khai kinh doanh xăng sinh học E5 nhưng người tiêu dùng chưa mặn mà |
Theo đó, mục tiêu của việc dùng xăng E5 là để giảm phát thải khí nhà kính. Nếu dùng xăng sinh học sẽ làm phát thải khí CO2 gia tăng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, gây nóng lên toàn cầu.
Để làm giảm thiểu biến đổi khí hậu, các nước sử dụng xăng E5, E10, trộn cồn sinh học với xăng theo một tỷ lệ nhất định. Cả thế giới đều phát triển theo hướng này, tiêu biểu như Brazil, Trung Quốc...Việt Nam cũng theo chiều hướng chung của thế giới, để hạn chế phát thải khí nhà kính, Việt Nam khuyến khích các chủ phương tiện sử dụng xăng E5 thay cho các loại xăng khác.
"Thời gian qua Chính phủ có yêu cầu một số địa phương thực hiện bán xăng E5 thí điểm và yêu cầu sắp tới triển khai đồng loạt trên toàn quốc, đó là chiến lược chung của Việt Nam.
Tuy nhiên, do tâm lý người dân còn e ngại xăng E5 nên để thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước mới có đề xuất không bán xăng A92 nữa, khi không còn lựa chọn nào khác bắt buộc người dân phải mua xăng E5. Việc sử dụng xăng E5 được lợi nhiều mặt: giảm ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, các nhà máy cồn bán được hàng, người dân bán được sắn, cải thiện đời sống...
Đây là hướng đi đúng và lộ trình của Việt Nam là như vậy, thời gian tới bắt buộc phải sử dụng xăng E5, do đó kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam là phù hợp với chiến lược chung", PGS.TS Phùng Chí Sỹ khẳng định.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, bởi lộ trình đã được xác định rõ nên từ lâu các cơ quan chức năng đã tính toán đầy đủ mọi mặt, ngay cả việc Việt Nam cần có bao nhiêu nhà máy cung cấp cồn để pha chế với xăng sinh học. Tuy nhiên, do người dân không mặn mà với xăng E5 nên các nhà máy cồn phải ngừng hoạt động và ngành sắn cũng lao đao theo.
Tuy nhiên, một vấn đề khác phát sinh đó là, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng do đó khi đưa ra chính sách gì phải cân nhắc để thế giới không phản đối", TS Phùng Chí Sỹ cho biết.
Công nghệ Trung Quốc không làm xăng E5 giảm chất lượng
Trước đó, nhiều tờ báo dẫn một báo cáo về thực trạng các cơ sở sản xuất ethanol của Bộ Công thương cho hay, trong số 7 nhà máy sản xuất ethanol - nhiên liệu chính phối trộn tạo nên xăng sinh học E5 thì có đến 4 nhà máy sử dụng hoàn toàn công nghệ từ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại dù sử dụng một số công nghệ của các nước phát triển nhưng các thiết bị vẫn nhập từ Trung Quốc.
Đáng nói, 4 nhà máy sử dụng công nghệ của Trung Quốc khi hoàn thành chỉ sau từ 1 đến 2 năm hoạt động đã phải tạm ngừng. Các nhà máy còn lại, cũng chỉ tồn tại được một thời gian sau đó.
Tuy nhiên, PGS.TS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh, việc các nhà máy ethanol của Việt Nam phải ngưng hoạt động không phải vì chất lượng cồn kém do sử dụng công nghệ Trung Quốc mà vì cồn sản xuất ra chứa đầy không có ai mua.
"Thời gian qua, Chính phủ có một số biện pháp khuyến khích người dân sử dụng xăng E5. Tuy nhiên, chủ yếu do tâm lý của người dân không tin tưởng vào chất lượng cồn sản xuất ở Việt Nam, sợ người bán không trộn cồn tuyệt đối mà trộn linh tinh vào, khi sử dụng xe máy, ô tô xịn có thể gây hỏng hóc.
Chính tâm lý này dẫn đến hệ quả: dù trong quy hoạch Việt Nam đầu tư xây dựng 7 nhà máy cồn, phối hợp với cả nước ngoài như Nhật Bản, nhưng do người dân không dùng xăng E5, sản phẩm không bán được nên nhà máy phải đóng cửa. Thực chất, chất lượng của xăng E5 không có vấn đề gì", ông Sỹ giải thích.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ cũng nói thêm, việc sử dụng công nghệ Trung Quốc chỉ làm cho giá thành của sản phẩm xăng E5 cao hơn so với xăng A92. Chính vì thế, muốn tồn tại, các nhà máy cồn phải giảm giá bán cho phù hợp, không thể bắt người dân mua xăng giá cao.
"Do cồn sản xuất giá cao nên nếu tính sòng phẳng ra, Nhà nước phải trợ giá thì mới dùng được xăng E5. Tuy nhiên, điều e ngại ở chỗ khi Nhà nước không trợ giá nữa, giá xăng E5 trong nước cao hơn so với giá sản phẩm nhập khẩu, người tiêu dùng phải dùng xăng giá cao".
Ông đề xuất, để người dân mặn mà hơn với xăng E5, các cơ quan chức năng cần hạ giá thành sản phẩm, đồng thời tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng xăng E5 đối với môi trường, sự phát triển của các nhà máy cồn cũng như đầu ra cho ngành sắn Việt Nam...
"Bởi thói quen của người dân khó thay đổi, dùng cái gì lạ thì sợ xe hỏng hóc nên cứ theo cái cũ mà xài. Có những cái phải bắt buộc, sau người ta dùng nhiều thì sẽ quen".
Theo Thành Luân (Báo Đất Việt)