Ngân hàng Chính sách xã hội vừa yêu cầu chi nhánh tỉnh Sóc Trăng quy trách nhiệm để kỷ luật tập thể, cá nhân sai phạm trong việc xử lý rủi ro, xóa nợ hộ nghèo.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
Theo văn bản phát đi của VBSP, cán bộ ngân hàng thuộc hệ thống này ở Sóc Trăng đã chỉnh sửa nội dung trên sổ lưu sao y (không có nội dung phát sinh gia hạn nợ, cho vay lưu vụ, chuyển nợ quá hạn giống như trên hồ sơ gốc) để phù hợp với thời gian hộ vay được công an, UBND xã xác nhận bị cho là mất tích.
Đặc biệt là tồn tại việc phát sinh gia hạn nợ sau thời gian khách hàng chết (hoặc mất tích); trong thời gian chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt xử lý rủi ro, ngân hàng vẫn giải ngân món mới cho hộ vay. Đây là những sai phạm về tính hợp pháp, hợp lệ và pháp lý của hồ sơ, gây hậu quả dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước.
Kết quả kiểm tra công tác xử lý nợ rủi ro đợt 1 năm 2017, đoàn công tác còn phát hiện trước khi đề nghị xóa nợ, nơi cho vay chưa thực hiện kiểm tra, đối chiếu đến từng hộ. Từ đó, có nhiều trường hợp đề nghị xóa nợ sai đối tượng hoặc nguyên nhân rủi ro trên hồ sơ không đúng với thực tế.
Cụ thể là đề nghị xóa nợ với nguyên nhân mất tích nhưng thực tế người vay đã chết hoặc chỉ đi làm ăn xa, thỉnh thoảng vẫn về nhà.
Văn bản của Ngân hàng Chính sách xã hội, yêu cầu chi nhánh Sóc Trăng chấn chỉnh xử lý nợ rủi ro, kỷ luật cán bộ sai phạm. Ảnh: Việt Tường. |
"Có trường hợp qua đối chiếu, đoàn kiểm tra vẫn xác định được thông tin liên lạc của hộ vay", văn bản của VBSP nêu.
Từ những sai phạm trên, Tổng giám đốc VBSP yêu cầu chi nhánh tỉnh Sóc Trăng chấn chỉnh lại việc xử lý nợ rủi ro; kỷ luật tổ chức, cá nhân sai phạm; kiểm điểm rút kinh nghiệm trong toàn chi nhánh để không lặp lại vụ việc tương tự.
VBSP cũng yêu cầu chi nhánh Sóc Trăng không hạch toán đối với trường hợp đề nghị sai đối tượng, không đủ điều kiện xử lý nợ, không đảm bảo hồ sơ theo quy định.
Giám đốc VBSP chi nhánh Sóc Trăng, ông Dương Đình Lạng, cho rằng những sai sót mà đoàn kiểm tra chỉ ra đang được đơn vị chấn chỉnh, kiểm điểm rút kinh nghiệm. Các trường hợp đề nghị xóa nợ không đúng, các bộ phận liên quan đã làm lại hồ sơ để tiếp tục thu nợ nên không mất vốn.
Đối với hộ khoanh nợ để xử lý rủi ro nhưng được vay tiếp, ông Lạng giải thích rằng họ đã được tổ tiết kiệm và vay vốn bình nghị, có giám sát của trưởng ấp, đoàn thể.
"Khoanh nợ nhưng được vay mới là giúp người nghèo tái đầu tư vì có phương án sản xuất. Việc này được Chính phủ cho phép để hộ nghèo vực dậy sản xuất", ông Lạng nói.
Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)