Khách hàng của Vietcombank, Techcombank cũng bị tin nhắn lừa đảo

12/03/2021 14:48:35

Đến lượt Vietcombank, Techcombank cảnh báo thủ đoạn mạo danh tin nhắn ngân hàng kèm link có mã độc để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa gửi thông báo đến các khách hàng của mình, cảnh báo về thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ là gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng chứa kèm link độc.

Do mất cảnh giác, nhiều người dùng đã làm theo chỉ dẫn và nhập các thông tin bảo mật ngân hàng điện tử (user, mật khẩu, OTP), giúp kẻ lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài sản.

Anh T. là một nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo tinh vi này. Hồi tháng 2 vừa qua, anh nhận được tin nhắn từ ngân hàng quen dùng với thông báo: 'Chung toi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai. Neu khong phai ban dang tieu dung vui long nhap vao https://v-acb.com de huy thanh toan...'. Mất cảnh giác do lo lắng, anh truy cập vào đường link, làm theo hướng dẫn và bị lấy mất 3,3 triệu đồng.

Techcombank cho hay số lượng các vụ lừa đảo giả danh tin nhắn, email hay cuộc gọi từ ngân hàng để chiếm đoạt tài sản qua tài khoản điện tử đang gia tăng đột biến.

Khách hàng của Vietcombank, Techcombank cũng bị tin nhắn lừa đảo
Mẫu tin nhắn mạo danh thương hiệu Vietcombank để lừa đảo

Khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng nhận được tin nhắn tương tự kèm đường link có chứa mã độc. Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là gửi nội dung thông báo kèm theo đường link lừa đảo qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat…, thậm chí giả mạo tin nhắn SMS thương hiệu Vietcombank. Nếu khách hàng bấm vào link và cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ thẻ (tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP), kẻ gian sẽ ngay lập tức chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Theo các chuyên gia công nghệ, để thực hiện chiêu lừa này, các đối tượng đã dựng một cột sóng giả, bắt sóng điện thoại của nạn nhân, ghi đè tên thương hiệu của ngân hàng, sau đó gửi tin nhắn giả mạo.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay qua xác minh, các tin nhắn mạo danh này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, được các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, đặc biệt là người dùng tại các khu vực đô thị.

Theo Vietcombank, nếu khách hàng nhận được những cuộc gọi với nội dung: Có phải khách đang chờ tiền về không? Khách hàng đang gặp trục trặc khi đang sử dụng dịch vụ ngân hàng? Hỏi để xác minh giao dịch khách hàng vừa mới thực hiện. Thông báo cho khách hàng về việc tra soát giao dịch ngân hàng; lộ thông tin thẻ. Đồng thời, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ thẻ (tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP)… đều là lừa đảo. Mục đích của kẻ gian nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.

Các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như SMS, email, zalo, viber, facebook… Do đó, để tránh mất tiền oan, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập vào các tin nhắn, email có gắn link yêu cầu khách hàng cung cấp hoặc nhập mã đăng nhập, mật khẩu, OTP.

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)