Trong năm nay, thị trường vàng bị đè nặng bởi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để đối phó với lạm phát tăng cao. Khi lãi suất đi lên, giới đầu tư ồ ạt bán những tài sản không trả lãi như vàng.
Nhưng kim loại quý vẫn thu hút những nhóm khách hàng khác, trong đó có các khách hàng nhỏ lẻ ở châu Á và ngân hàng trung ương.
Các ngân hàng trung ương, bao gồm ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, nằm trong số những tổ chức mua vào kim loại quý trong thời gian qua. Ngoài ra, một số thương vụ đến nay vẫn chưa rõ danh tính bên mua. WGC cho rằng hiện tượng này không hiếm và là những thương vụ có giá trị lớn.
Không phải mọi quốc gia đều công khai tất cả giao dịch mua vàng, ngay cả những khách hàng lớn như Trung Quốc và Nga.
"Không phải tất cả tổ chức đều công khai lượng vàng mà họ nắm giữ, hoặc họ có thể công khai muộn", WGC cho biết trong một báo cáo. "Chúng tôi không loại trừ khả năng có nhiều thương vụ mua vàng hơn nữa nhưng không được công khai", WGC nói thêm.
Hồi tháng 10, Bloomberg đưa tin về việc một khối lượng vàng lớn đã được rút ra khỏi các trung tâm tài chính như New York và “chuyển hướng” đến phương Đông khi nhu cầu leo thang.
Nhà đầu tư châu Á đã tận dụng cơ hội giá vàng đang thấp để “gom” trang sức và vàng. Khi lãi suất tăng cao, đồng USD mạnh lên, vàng đã trở thành một khoản đầu tư kém hấp dẫn với nhà đầu tư phương Tây, dù trước đó là “hầm trú ẩn” được ưa chuộng.
Kể từ cuối tháng 4/2022 đến gần giữa tháng 10, hơn 527 tấn vàng đã “rời” khỏi các kho trữ vàng ở New York và London. Ngay sau đó, dòng chảy vàng đã đến các thị trường lớn của châu Á như Trung Quốc.
Nhìn chung, xu hướng dịch chuyển của thị trường vàng đã diễn ra liên tục trong nhiều thập kỷ. Nhờ nhu cầu từ châu Á tăng cao, nên giá vàng vẫn ở mức ổn định trong những khoảng thời gian suy thoái dù phương Tây “xả” vàng. Đến khi giá vàng hồi phục, nhà đầu tư phương Tây lại mạnh tay “gom” vàng.
WGC dự báo tổng đầu tư vàng trong năm nay sẽ giảm xuống do nhu cầu từ ETF và thị trường giao dịch phi tập trung thấp hơn bất chấp các giao dịch bán lẻ tăng mạnh.
Theo WGC, nhu cầu đồ trang sức toàn cầu tăng lên 523 tấn trong quý III, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng mua đồ trang sức cũng cao hơn mức trung bình 5 năm là khoảng 500 tấn. Trong đó, Ấn Độ dẫn đầu đà phục hồi, khi tiêu thụ 146 tấn vàng trong quý vừa qua, tăng 17% so với năm ngoái.
Mặc dù nhu cầu đối với vàng vật chất vẫn mạnh mẽ, nhưng ông Gnanasekar Thiagarajan - Giám đốc tại Commtrendz Risk Management Services - cho rằng, giá vàng miếng chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như tâm lý kinh tế vĩ mô và xu hướng của đồng USD. Ngoài ra, theo ông, kim loại quý sẽ chịu áp lực trước tuyên bố của Fed trong cuộc họp diễn ra tới đây.
PN (Nguoiduatin.vn)