Khách hàng bất động sản, ngân hàng, y tế... đang bị "giăng bẫy"

07/05/2017 20:21:00

Không chỉ Vietcombank đưa quy định làm khó khách hàng, hàng loạt lĩnh vực khác như bất động sản, bảo hiểm, y tế… cũng có hợp đồng, giao kèo đẩy khó hoặc rủi ro về phía “thượng đế”…

Không chỉ Vietcombank đưa quy định làm khó khách hàng, hàng loạt lĩnh vực khác như bất động sản, bảo hiểm, y tế… cũng có hợp đồng, giao kèo đẩy khó hoặc rủi ro về phía “thượng đế”…

Những hợp đồng, giao kèo thường gây khó cho khách hàng bằng những câu chữ khó hiểu, quá dài hoặc quá chuyên môn - Ảnh: T.T.D

Nhiều người chỉ biết kêu trời khi xảy ra tranh chấp vì khó tránh khỏi thiệt thòi. Nhìn lại hợp đồng thì chữ nhỏ, dài dằng dặc, luật sư đọc cũng phải bù đầu.

Tránh trách nhiệm bằng “bẫy” tinh vi

Dù đã có quy định một số ngành nghề hợp đồng mẫu phải đăng ký nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn thiệt vì “bên bán” cài nhiều bẫy tinh vi.

Bà Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết đã giải quyết một trường hợp khách hàng mua bảo hiểm có điều khoản bồi thường bệnh ung thư nhưng khi khách hàng bị ung thư vú, doanh nghiệp đã từ chối bồi thường vì hợp đồng ghi “không bồi thường trường hợp carcinoma”.

“Công ty đã dùng thuật ngữ chuyên môn “carcinoma”, người dân không biết cụm từ kia có nghĩa gì, dẫn đến chịu thiệt” - bà Thu nói.

Theo thống kê, trung bình một sản phẩm bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế có khoảng 20 điều khoản loại trừ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có 10-15 điều khoản loại trừ..., chưa kể những câu chữ trong hợp đồng quá khó hiểu, thậm chí mập mờ khiến người tiêu dùng có cảm giác bị đánh đố.

Với hợp đồng vay vốn ngân hàng, chị Lan (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết ngoài yêu cầu trả nợ đầy đủ, đúng hạn, ngân hàng thường có câu người vay phải tuân thủ mọi xử lý của ngân hàng trong trường hợp vi phạm các nghĩa vụ của bên vay...

“Trong bất kỳ hợp đồng nào cũng có sẵn câu Tôi đã đọc, hiểu rõ và đồng ý các điều khoản được quy định... Như vậy người vay chỉ có thể chấp nhận hay không chấp nhận chứ không có quyền thỏa thuận với bên ra hợp đồng”, 
chị Lan nói.

Người dân luôn thiệt?

Bà N.T.T.G. (Q.Thủ Đức, TP.HCM) mua nhà tại một dự án ở Q.Bình Tân. Khi tìm hiểu dự án, bà được chủ đầu tư cho tham quan hai căn nhà mẫu lắp đặt toàn thiết bị, vật liệu “xịn”, nhìn là mê mẩn ngay.

Trong phụ lục hợp đồng, chủ đầu tư cũng cam kết giao nhà giống nhà mẫu. Nhưng khi nhận nhà, bà mới té ngửa vì... thất vọng.

Hàng loạt thiết bị như cửa, bồn rửa, thang máy dự án... đều bị thay đổi theo hướng thu hẹp kích thước và thay vật liệu giá rẻ.

Nhiều lần, bà G. lên làm việc nhưng chủ đầu tư tìm cách chống chế, không đồng ý bồi thường với nhiều lý do...

Tương tự, khách hàng mua căn hộ của Công ty cổ phần Đ 
(TP.HCM) vừa qua đã kiện ra tòa để đòi tiền phạt công ty này chậm giao nhà.

Theo hợp đồng, hạn cuối giao nhà là 25-9-2012 nhưng đến ngày 31-5-2014 mới giao. Thế nhưng tòa đã xử nguyên đơn thua.

Lý do, trong biên bản bàn giao nhà, chủ đầu tư đưa vào cam kết hai bên đã hoàn tất quyền và nghĩa vụ, không khiếu nại gì về sau. Do đó, hai bên coi như đã miễn trừ nghĩa vụ cho nhau.

Khó kiểm soát 100% nội dung hợp đồng mẫu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) cho biết theo quy định, có 12 nhóm hàng hóa dịch vụ bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với VCA, như điện, nước, hàng không, vận tải đường sắt, bảo hiểm, ngân hàng...

Tuy nhiên, VCA chỉ kiểm soát những nội dung liên quan đến pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, chứ không kiểm soát 100% nội dung của hợp đồng.

Ví dụ trong lĩnh vực bảo hiểm, VCA phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm của Bộ Tài chính để tư vấn về chuyên môn. Với ngân hàng, hàng không... cũng vậy.

Dù có tư vấn về chuyên môn nhưng trong quá trình xem xét, VCA chỉ căn cứ vào quy định luật bảo vệ người tiêu dùng, chứ không thể rà soát hết tất cả nội dung về mặt chuyên môn.

Theo đại diện VCA, thực tế có nhiều trường hợp hợp đồng mẫu có những điều khoản vi phạm, VCA đã đưa lên trang web của cục để người tiêu dùng tham khảo.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, không chỉ 12 nhóm mặt hàng, mà nhiều nhóm khác người dân cũng đang phải đối diện với hợp đồng mẫu “cài cắm”, thậm chí “gài bẫy”.

Luật sư Nguyễn Văn Phú - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết hợp đồng mua bán bất động sản là một trong những lĩnh vực khách hàng bị chủ đầu tư “gài” nhiều nhất.

Người mua nên tham khảo hoặc nhờ người am hiểu pháp luật đọc kỹ nội dung, mạnh dạn đưa ra đàm phán yêu cầu chủ đầu tư sửa đổi những nội dung không hợp lý, bất khả thi.

Bị dồn vào thế khó

Trong ngành y tế cũng có một số loại cam kết, giao kèo mà người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân… phải ký trước khi được làm phẫu thuật, thủ thuật, như “cam kết phẫu thuật”, “đăng ký tự nguyện tiêm ngừa”. Trong đó, thường in sẵn phần người nhà và bệnh nhân phải “chịu trách nhiệm về quyết định đồng ý tiêm ngừa/phẫu thuật” dù họ không đủ chuyên môn để biết có cần phải tiến hành không.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê giải thích: “Cam kết như thế không phải để bệnh viện nắm đằng chuôi, mà để bác sĩ cũng phải có trách nhiệm về dịch vụ của mình, tức là cả hai bên cùng cam kết với nhau. Trường hợp có rủi ro sẽ xem xét bác sĩ có thực hiện đúng quy trình chuyên môn không”.

Trong khi đó, theo một bác sĩ ở Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, từng có bệnh nhân ở Hà Nội đi du lịch Cô Tô bị thai ngoài tử cung nhưng không có người nhà đi cùng mà chỉ có bạn. Người bạn e ngại không dám ký, trong khi không ký để phẫu thuật ngay sẽ ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân. Thực tế, đã có những bệnh nhân bị qua mất “thời điểm vàng” để điều trị do bệnh viện đợi thân nhân đến ký cam kết phẫu thuật…

Theo Nhóm PV (Tuổi Trẻ)

Nổi bật