Ông chủ Alibaba - Jack Ma hiện là người giàu nhất Trung Quốc, với 39, 1 tỷ USD tài sản, và là diễn giả được chào đón tại nhiều sự kiện quốc tế, như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos. Và dù chỉ một năm sau, Jack Ma không còn là lãnh đạo Alibaba nữa, di sản của ông sẽ còn tồn tại rất lâu.
Jack Ma đã làm được nhiều điều hơn là chỉ gây dựng một đế chế thương mại điện tử. Tầm nhìn của ông đã thay đổi cả Trung Quốc.
Ông đã chứng minh được một doanh nghiệp tư nhân, có ý tưởng đột phá vẫn có thể phát triển mạnh trong một nền kinh tế bị kiểm soát chặt. Thành công của ông cũng giúp ngành công nghệ Trung Quốc cạnh tranh với Thung lũng Silicon, giúp nền kinh tế này dần tiến tới vượt qua Mỹ.
“Ông ấy là hình mẫu cho thế hệ chúng tôi”, Peiran Wei (36 tuổi) cho biết. Anh tự tin đồng sáng lập một hãng công nghệ nhỏ có tên VideoUp, chủ yếu nhờ ảnh hưởng của Jack Ma và Alibaba.
Câu chuyện cá nhân của Jack Ma còn trở thành huyền thoại trong trường học Trung Quốc. Ông sinh năm 1964 trong một gia đình nghèo ở Hàng Châu, học tiếng Anh bằng cách dẫn khách du lịch tham quan quanh thành phố.
Sau một thời gian làm giáo viên, Jack Ma chuyển hướng kinh doanh. Năm 1999, ông thành lập Alibaba cùng 17 người khác. Ông cho biết mình không phải người sành công nghệ nhất, cũng không không minh nhất. Tuy nhiên, ông đã chứng minh được mình là một lãnh đạo truyền được cảm hứng cho nhân viên, sẵn sàng cạnh tranh với đối thủ ngoại và tạo ra tầm nhìn hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc.
“Những người thông minh cần một kẻ ngốc lãnh đạo họ”, Jack Ma nói, “Bạn sẽ chiến thắng dễ dàng hơn nếu có những người có góc nhìn khác nhau”.
Alibaba đã mang thương mại điện tử đến những ngôi làng xa xôi của Trung Quốc, sau đó mở rộng mảng kinh doanh sang trí tuệ nhân tạo, chăm sóc sức khỏe và phim Hollywood. Chưa đầy 20 năm sau khi thành lập, công ty này đã có vốn hóa hơn 420 tỷ USD - cao nhất châu Á. Cách tiếp cận và dung hòa giữa việc kinh doanh và chính sách quản lý tại Trung Quốc của Jack Ma đã mở đường cho làn sóng khởi nghiệp mới tại Trung Quốc
“Ông ấy thành lập công ty với 18 người, trong một căn hộ. Thậm chí bây giờ, mỗi lần đi qua đó, tôi đều nhớ ngay đến ông ấy”, Wei cho biết, “Nó là một căn chung cư cũ, nhưng vẫn khiến tôi hào hứng”.
Một trong những người đầu tiên nhìn ra tiềm năng của Jack Ma là ông chủ SoftBank - Masayoshi Son. Ông đã đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba năm 2000 và hiện nắm số cổ phần trị giá 120 tỷ USD tại đây.
“Ông ấy không có kế hoạch kinh doanh, cũng chưa có doanh thu. Nhưng ánh mắt ông ấy rất kiên định. Từ dáng đi, tôi đã có thể kết luận ông ấy là một lãnh đạo tài ba”, Son cho biết trong một buổi phỏng vấn.
Việc Alibaba huy động được số tiền kỷ lục - 25 tỷ USD trong IPO năm 2014 là lời nhắc nhở các nhà đầu tư mạo hiểm, rằng họ hoàn toàn có thể kiếm cả gia tài từ các startup Trung Quốc.
Hồi tháng 7, hãng smartphone Trung Quốc - Xiaomi huy động được 4, 7 tỷ USD sau khi IPO ở Hong Kong. Giá trị các vụ đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc tăng từ 4, 4 tỷ USD năm 2013 lên 62, 6 tỷ USD năm 2017, theo hãng nghiên cứu Preqin. Năm nay, Trung Quốc còn có khả năng vượt Mỹ về cả số IPO và số vốn đầu tư mạo hiểm huy động được.
“Môi trường khởi nghiệp tại Trung Quốc sẽ không như ngày nay nếu không có Jack Ma”, William Bao Bean tại công ty đầu tư mạo hiểm SOSV cho biết, “Sự nổi tiếng của Jack Ma và thành công của Alibaba đã giúp khởi nghiệp trở thành một lựa chọn nghề nghiệp được chấp nhận rộng rãi hơn, góp phần hình thành một trong những thị trường công nghệ lớn nhất thế giới”.
Jack Ma không chỉ thành công về kinh doanh. Ông còn phá vỡ khuôn mẫu về một lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc - thường là những ông chủ ít khi lên hình của các công ty quốc doanh lớn như PetroChina hay China Mobile. Jack Ma từng ăn mặc và nhảy như Michael Jackson. Ông còn đội mũ lông chim và hát trong tiệc của công ty.
“Với rất nhiều người, ông ấy chính là bộ mặt của Internet Trung Quốc”, Bean kết luận.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)