Indonesia muốn trở thành “thiên đường thuế”

16/08/2016 11:08:00

Để giữ dòng tiền không chảy ra nước ngoài đồng thời thu hút các nhà đầu tư, Indonesia đang cân nhắc tự biến mình thành “thiên đường thuế”.

Để giữ dòng tiền không chảy ra nước ngoài đồng thời thu hút các nhà đầu tư, Indonesia đang cân nhắc tự biến mình thành “thiên đường thuế”.

Với việc sửa đổi chính sách thuế, Indonsia hi vọng lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư. Trong ảnh: biển quảng cáo cho một dự án căn hộ cao cấp ở thủ đô Jakarta - Ảnh: REUTERS

Theo báo Jakarta Globe, Indonesia đang cân nhắc thiết lập các khu vực đặc biệt được hưởng ưu đãi thuế (còn gọi là “thiên đường thuế”) tại hai hòn đảo Bintan và Rempang, nằm cách trung tâm tài chính Singapore chỉ khoảng 60km. Dân Indonesia và doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép thành lập công ty bình phong tại đây và được hưởng mức thuế thấp.

Kế hoạch táo bạo này được công bố trong bối cảnh Chính phủ Indonesia tìm cách thu hút về nước nhiều tỉ USD thông qua chương trình ân xá thuế để đầu tư cho dự án hạ tầng và giảm thâm hụt ngân sách.

Cân nhắc giảm thuế

Kế hoạch “thiên đường thuế” xuất hiện sau thông báo hôm 11-8 của Chính phủ Indonesia, theo đó dòng tiền từ nước ngoài quay về Indonesia sẽ được phép đầu tư vào các tài sản như vàng và bất động sản. Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo chương trình ân xá thuế có thể thu hút 43 tỉ USD đang “ẩn náu” ở nước ngoài.

Nhà chức trách kỳ vọng có thêm nhiều bến đỗ cho dòng tiền hồi hương sẽ khuyến khích nhiều người tham gia hơn, đồng thời giúp chặn đứng tình trạng thâm hụt ngân sách ở Indonesia do ảnh hưởng tăng trưởng chậm từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Tổng thống Joko Widodo cũng đang cân nhắc giảm thuế cho các doanh nghiệp nhằm tăng tính cạnh tranh của đất nước và giảm thiểu tình trạng công ty trong nước mang tiền cất giữ ở nước ngoài.

“Suy nghĩ của tôi rất đơn giản. Nếu thuế doanh nghiệp ở Singapore là 17% thì tại sao chúng ta áp mức 25% trong nước? Làm sao chúng ta có thể cạnh tranh?” - ông Widodo giải thích.

Trong cuộc gặp gỡ giới thượng lưu Indonesia tại thành phố Semarang hồi tuần trước, ông Widodo thông báo chính phủ đang cân nhắc phương án giảm thuế từ từ hoặc xuống ngay mức 17%.

Tổng thống Indonesia bày tỏ hi vọng kế hoạch giảm thuế sẽ được quốc hội ủng hộ và hoàn tất trong năm 2017. Từ cuối năm 2015, Indonesia đã đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến khích thuế để thu hút đầu tư và vực dậy tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong sáu năm qua.

“Giảm thuế doanh nghiệp sẽ giúp các công ty có thêm tiền mở rộng kinh doanh, đổi lại sẽ tạo ra thêm tiền thuế cho nhà nước” - theo ông Handaka Santosa, đại diện công ty điều hành hệ thống bán lẻ PT Mitra Adiperkasa.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo trong tương lai gần, việc giảm thuế doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của Indonesia, vốn cũng đã khá “mỏng manh”.

Nan giải thu thuế

Thuế doanh nghiệp của Indonesia đã thay đổi vài lần trong thập kỷ trước (từ 30% xuống còn 25%), trong khi thuế thu nhập cá nhân cao nhất giảm từ 35% xuống còn 30%. Theo chuyên gia Arnaldo Purba thuộc Tổng cục Thuế Indonesia, điều này diễn ra theo đúng xu hướng chung toàn cầu là giảm thuế thu nhập, hay còn gọi là hiện tượng “cuộc đua về đáy”.

Indonesia, tương tự một số quốc gia đang phát triển khác, có một số lượng lớn người dân không thực hiện nghĩa vụ thuế. Bộ Tài chính nước này ước tính chỉ có 27 triệu người Indonesia trên tổng số 255 triệu dân có đăng ký mã số thuế và năm 2014 chỉ vỏn vẹn 900.000 người thực hiện đúng nghĩa vụ.

Ngoài ra còn có hàng ngàn công ty chưa bao giờ đóng đồng thuế nào kể từ lúc bắt đầu hoạt động. Thực tế này cho thấy thuế không phải là “gánh nặng” ở Indonesia dù bất kể nhà nước áp con số bao nhiêu.

Theo Jakarta Post, hiện Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch thành lập một cơ quan thuế mới trực thuộc tổng thống để thay thế bộ máy hiện nay đang tỏ ra yếu kém. Cơ quan mới dự kiến sẽ được trao nhiều quyền hạn và sự mềm dẻo trong cơ chế để hoạt động hiệu quả hơn.

Singapore phủ nhận “phá đám” Indonesia

Theo Jakarta Globe, Bộ Tài chính và tiền tệ Singapore tháng trước lên tiếng phủ nhận việc một số ngân hàng nước này “dụ dỗ” khách hàng Indonesia giữ tài sản của họ tại Singapore.

“Những cáo buộc gần đây của truyền thông Indonesia rằng Singapore đang thực hiện chính sách làm phá sản chương trình ân xá thuế của Indonesia là không đúng” - thông cáo của Singapore viết.

Nhà chức trách Singapore khẳng định họ không giảm thuế hoặc thay đổi bất cứ chính sách nào để phản ứng trước chương trình ân xá thuế dài 9 tháng của Indonesia.

 

“Thiên đường thuế” không có định nghĩa chuẩn nhưng thường được hiểu là một bang, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có mức thuế rất thấp, thậm chí bằng không.

“Thiên đường thuế” thường bị liên hệ đến hoạt động trốn thuế của các công ty, tập đoàn lớn cũng như một số người giàu - theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Theo Minh Trung (Tuổi Trẻ)