Xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các thị trường chủ lực đang gặp khó do khâu quản lý, nhu cầu tiêu thụ, cũng như ảnh hưởng bởi hạn mặn kéo dài.
Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua, tiếp tục quản lý chặt xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Theo Chương trình giám sát thì chưa có công ty khử trùng, giám định gạo nào của Việt Nam được phía Trung Quốc công nhận, khiến việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn.
Các thị trường như Indonesia vẫn khẳng định không nhập khẩu gạo trong năm 2016 do lượng gạo tồn kho trong nước vẫn ở mức an toàn.
Philippines tuần trước thông báo kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo song đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức.
Thị trường gạo Việt Nam đang gặp khó ở khâu đầu ra. Ảnh: Pháp Luật TP HCM |
Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo giảm ngoài yếu tố thị trường trầm lắng còn có nguyên nhân nguồn cung hạn chế do bị thiệt hại trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua. Việc nhập khẩu gạo không khởi sắc trong thời gian qua là một tín hiệu đáng lo lắng cho mặt hàng xuất khẩu chủ lực tại Việt Nam.
Thay vào đó, trong những ngày cuối tháng 8/2016, việc buôn bán lợn hơi lại có xu hướng tăng nhẹ do thương lái Trung Quốc lại tiếp tục việc thu mua để xuất bán. Tuy nhiên, các chủ trại chăn nuôi không quá lạc quan vì việc thu mua này chỉ mới khởi sắc trong khoảng 1 tuần trở lại đây, lại thay đổi quá thất thường trong khi sức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn khá chậm.
Ngoài ra, thị trường cá tra nguyên liệu có giá bán đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua do lượng tồn tại kho lẫn trong vùng nuôi của các doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều bởi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc chững lại. Trong khi đó, diện tích trồng rau củ ở tỉnh Lâm Đồng lại ít bị ảnh hưởng thời tiết hay hay dịch bệnh. Điều này khiến thương lái khắp nơi đổ về tỉnh Lâm Đồng để mua rau củ đưa đi nơi khác tiêu thụ, khiến mức giá của nhiều loại rau củ tăng so với tháng trước, song mức tăng không nhiều.
Theo Thái Nguyễn (Zing.vn)