Mặt sau của đồng tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng sắp được phát hành |
“Dân mình không thích lắm đâu”
Bình luận về đồng tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập NHNN, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, đây là hình thức tuyên truyền cho lịch sử phát triển của ngành được áp dụng khá phổ biến. “Các quốc gia đều làm tiền lưu niệm để tuyên truyền quảng bá phát triển thương hiệu cũng là quà lưu niệm của các hệ thống ngân hàng, nền tài chính với nhau. Có nước thì làm dựa trên mẫu đồng tiền sẵn có của mình, có nước thì lại mua bản quyền hình ảnh đồng tiền của nước khác”, ông Kiêm nói. Tuy nhiên, theo ông Kiêm, hầu hết các nước đều làm tiền lưu niệm bằng kim loại vì có độ bền, lưu được lâu, lại dễ đóng hộp tiện cho hình thức trao tặng.
Đánh giá về nhu cầu sở hữu đồng tiền lưu niệm trong xã hội, ông Kiêm nhận định: “Thế giới thì có thể họ đã quen với tiền lưu niệm còn ở ta thì chưa. Tôi nghĩ dân mình cũng không thích đồng tiền này lắm đâu vì nó không có giá trị thực. Ai có sở thích sưu tầm thì mới có nhu cầu. Tôi nghĩ chắc NHNN sẽ có khảo sát nhu cầu người dân trước khi quyết định số lượng phát hành đồng tiền này”.
Được biết, đây là lần thứ 2, NHNN tổ chức in tiền lưu niệm. Trước đó, kỷ niệm 50 năm thành lập NHNN Việt Nam (1951 - 2001), đồng tiền lưu niệm mệnh giá 50 đồng được phát hành, song chỉ được phát hành nội bộ. Lần này, NHNN cho biết, đồng tiền lưu niệm 100 đồng sẽ được bán ra thị trường với giá 20.000 đồng/tờ (loại tờ rời) và 25.000 đồng/tờ (loại tờ Foder - được bọc trong phong bao, kèm chú thích song ngữ Việt - Anh).
Đồng tiền lưu niệm có kích thước to hơn so với các tờ tiền polymer thông thường, chất liệu bằng cotton màu sắc đỏ. Mặt trước đồng tiền là hình quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, dòng chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, mệnh giá 100 đồng in đậm với logo 65 năm kỷ niệm thành lập NHNN và có chữ ký của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Mặt sau in hình trụ sở NHNN.
Công nghệ in tiền hiện đại nhất: Có cần thiết?
Về chi phí in ấn, phát hành đồng tiền lưu niệm, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định: “Chi phí làm tiền lưu niệm không nhiều. Thậm chí khi sản xuất ra có thể bán với giá cao hơn giá thành”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia kinh tế băn khoăn, việc in đồng tiền, nếu nhằm mục đích lưu niệm như NHNN thông tin, thì có nhất thiết phải sử dụng công nghệ in tiền và kỹ thuật bảo an tiên tiến nhất thế giới, bởi chi phí rất cao. “Ngay cả khi có đơn vị tài trợ cho toàn bộ hoạt động này thì cũng là sự lãng phí không cần thiết, bởi nguồn lực nào thì cũng là chung của toàn xã hội”, vị chuyên gia này nói.
Chung quan điểm này, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, đồng tiền mệnh giá 100 đồng của NHNN, mặc dù không có giá trị lưu hành, nhưng NHNN đã phải sử dụng công nghệ in tiền tiên tiến nhất. Điều này sẽ gây tốn kém về đầu tư cũng như các chi phí có liên quan, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn ngân sách vốn đang rất khó khăn.
Đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định: Trong bối cảnh hiện tại đất nước còn khó khăn, người dân còn nghèo nên không chỉ NHNN mà các ngành, các cấp, mọi tổ chức cá nhân phải quán triệt nguyên tắc tối thượng đó là triệt để tiết kiệm.
“Việc in đồng tiền của ngành ngân hàng, cần phải được xem xét ở khía cạnh có cấp bách không và hiệu quả tới đâu? Nếu chi phí không lớn thì việc in đồng tiền có tính chất lưu niệm chưa tới mức lãng phí. Nhưng nếu in quá nhiều, chi phí cao thì cần phải xem xét, tính toán, trên tinh thần triệt để tiết kiệm và hiệu quả”, đại biểu Thụ nêu quan điểm.
Nếu bán, cần công khai, minh bạch chi phí sản xuất Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, NHNN nên thông tin cụ thể về số lượng đồng tiền này phát hành, bán ở đâu để dân biết. “Tôi không hiểu rõ mục đích của NHNN khi phát hành tiền mệnh giá 100 đồng trong khi bán ra ngoài 20-25 nghìn đồng/tờ”, ông Hiếu nói và phân tích, nếu đồng tiền chỉ là quà lưu niệm được phát hành rộng rãi thì chỉ nên chú trọng về giá trị tinh thần. Còn nếu đã định giá, bán ra thị trường thì phải dựa trên chi phí sản xuất. NHNN cần minh bạch các thông tin về chi phí, lãi lỗ việc in tiền để dân biết. |