1. Năng lượng
Được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa, tầng lớp trung lưu đang phát triển, và tiến trình đô thị hóa nên nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng 8% mỗi năm đến năm 2030.
Tốc độ tăng trưởng này đòi hỏi công suất phát điện tăng từ 60 GW năm 2020 và lên đến 100 GW năm 2030. ADB ước tính cần có tổng vốn đầu tư 152 - 185 tỷ USD vào ngành điện trong giai đoạn 2016-2030 để giảm bớt tình trạng thiếu điện.
Việt Nam đã vượt mục tiêu đặt ra cho năng lượng mặt trời, và có tiềm năng to lớn trong phát triển các dự án năng lượng gió. Đặc biệt, khí tự nhiên sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai.
Do vậy, Chính phủ gần đây đã nhấn mạnh việc sử dụng LNG làm nguồn phát điện và sẽ tìm cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển các dự án như vậy.
Đầu tư nước ngoài và trong nước đang gia tăng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt quan ngại của các nhà đầu tư. Mặc dù chính sách trong lĩnh vực này đã mở cửa hơn trong thời gian qua, các nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều trở ngại như thiếu vốn, chi phí đầu tư cao vào các công nghệ mới hơn; thiếu nguồn nhân lực có trình độ; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển; công suất lưới điện yếu,..
Các chuyên gia của IFC cho biết, khu vực nhà nước sẽ không thể cung cấp toàn bộ nguồn lực đầu tư này, đặc biệt khi các nguồn vốn ưu đãi giảm và mức trần nợ công 65% GDP hạn chế các khoản nợ và bảo lãnh của Chính phủ.
Do đó, quan hệ đối tác công-tư (PPPs) sẽ là công cụ quan trọng để thúc đẩy đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này. Ngoài ra, hiệu quả năng lượng được cải thiện có thể tiết kiệm khoảng 10.300 megawatt (MW) nhiệt điện trước năm 2030 nếu các nhà máy bắt đầu triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
2. Giáo dục và đào tạo kỹ năng
Báo cáo ước tính, Việt Nam cần thêm hơn 400.000 nhân viên công nghệ thông tin (CNTT) trong giai đoạn 2016-2020, và con số này có khả năng sẽ còn cao hơn trong thời kỳ hậu COVID-19. Với ngành xây dựng, tăng trưởng nhanh chóng trong xây dựng đã làm tăng đáng kể nhu cầu kỹ năng xây dựng dân dụng, và ước tính ngành này cần thêm 400.000 đến 500.000 lao động mỗi năm.
Theo một báo cáo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, 73% số công ty gặp khó khăn trong việc thuê nhân viên với kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Do đó, các trường đại học tư nhân có liên kết quốc tế đang có vai trò ngày càng tăng trong giáo dục quản lý và kinh doanh, nhắm vào sinh viên đến từ các gia đình giàu có ở Việt Nam với mức học phí phải chăng hơn so với đi du học.
Ngoài ra, các chuyên gia IFC nhận định, sẽ có nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp giáo dục nghề nghiệp tư nhân do nhu cầu về giáo dục nghề nghiệp trong giới trẻ Việt Nam ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý quản lý các nhà cung cấp giáo dục đào tạo tư nhân khá thuận lợi. Họ có thể thiết lập mức thu phí riêng và thực hiện quy trı̀nh đăng ký giống như các tổ chức nhà nước. Các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo tư nhân cũng phải tuân theo chương trình khung giống như các tổ chức nhà nước.
3. Kinh doanh nông nghiệp
Ngành trồng trọt đã phát triển đa dạng hơn, và ngành nông nghiệp đã chuyển đổi từ trồng lúa là chủ sang sản xuất và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới. Việt Nam hiện được công nhận là quốc gia sản xuất hàng đầu cà phê, hạt điều, hạt tiêu đen, sắn, cao su, chè, và thủy sản.
Sản xuất và xuất khẩu đã tăng mạnh, cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu đang chuyển đổi dần từ hàng hóa cấp thấp hơn sang các sản phẩm chế biến, chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao. Vì vậy tăng trưởng trong sản xuất trong tương lai sẽ phải dựa vào tăng năng suất, và tăng trưởng thu nhập sẽ xuất phát từ việc chuyển đổi sang hàng hóa có giá trị cao hơn.
Mặc dù các hiệp định thương mại gần đây mở cánh cửa cho việc gia tăng khả năng tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn, nhưng vẫn còn những thách thức trong đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế, đồng thời cạnh tranh với các công ty mới gia nhập thị trường trong nước.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu giá trị cao và gắn sản xuất với thị trường. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp đáp ứng các yêu cầu cập nhật của các nước nhập khẩu liên quan đến các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng, thực hành an toàn thực phẩm, và áp dụng công nghệ số để thực hiện các công việc này
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở chuỗi lạnh/kho lạnh. Đồng thời, cải thiện khung thể chế và năng lực của hạ tầng chất lượng quốc gia để bảo đảm sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận.
4. Logistics
Báo cáo cho biết, nhu cầu về các dịch vụ logistics tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Thu nhập tăng sẽ làm tăng nhu cầu đối với hàng tiêu dùng và thực phẩm an toàn hơn, do đó sẽ tập trung nhiều hơn vào chuỗi phân phối và bán lẻ thực phẩm hiện đại.
Mặc dù Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ đầu tư vào kết nối cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn còn những điểm yếu. Ví dụ như hạn chế trong tiếp cận vốn cản trở các nhà cung cấp dịch vụ logistics nhỏ trong nỗ lực nâng cấp và mở rộng quy mô đội tàu, và cản trở sự gia nhập thị trường của các công ty khởi nghiệp.
Báo cáo khuyến nghị, để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực logistics, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của bên bán trong thương mại điện tử và nhà cung cấp dịch vụ logistics thông qua sự nhất quán trong áp dụng luật lệ và các khoản phí. Tối ưu hóa quy trình, thời gian và chi phí xin giấy phép hoạt động vận tải hàng không.
Trong dài hạn, cần phát triển dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề phù hợp trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để đáp ứng nhu cầu kỹ năng cho hoạt động logistics trong nông nghiệp, chuỗi logistics lạnh, CNTT-TT và tài xế xe tải.
5. Du lịch
Là ngành chiếm tỷ trọng đáng kể trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam, tính riêng năm 2019, ngành du lịch đóng góp 9,2% trong GDP, chiếm 3,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, và sử dụng gần 5 triệu lao động.
Được đánh giá là một ngành tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thế nhưng thách thức trước mắt đối với các công ty du lịch tư nhân là tồn tại trước tác động của đại dịch COVID-19.
Do đó, để khuyến khích tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực du lịch, báo cáo cho biết, Việt Nam cần duy trì các doanh nghiệp du lịch có khả năng tồn tại về tài chính. Theo đó, hỗ trợ tiền lương và trợ cấp đào tạo; tăng cường hỗ trợ nâng cao kỹ năng; tăng cường các biện pháp an toàn và sức khỏe bằng cách áp dụng công nghệ số
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thu hút lại khách du lịch bằng cách thúc đẩy nhu cầu thông qua marketing và các giải pháp chính sách có mục tiêu. Cụ thể, thúc đẩy du lịch nội địa thông qua thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa đồng thời duy trì các tiêu chuẩn an toàn cao.
Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phục hồi nhu cầu du lịch bằng cách tập trung vào thị trường nội địa trước, sau. Tham gia bong bóng du lịch với các quốc gia đã giảm được tỷ lệ lây nhiễm và đi trước trong phục hồi.
Theo Quỳnh Anh (Nhịp Sống Kinh Tế)