Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Bóng đá Than Quảng Ninh – đơn vị quản lý CLB Than Quảng Ninh đã thông báo tạm dừng hoạt động để chờ tỉnh Quảng Ninh nhận lại đội bóng. Được biết, văn bản thanh lý hợp đồng đang được gửi đến các cầu thủ cũng như thành viên đội bóng.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là các khoản nợ giữa đội bóng và cầu thủ lại chưa được thanh toán. Tổng số tiền nợ của các cầu thủ lên đến 60 - 70 tỷ đồng gồm lương, tiền lót tay sẽ tiếp tục bị "khất" và chưa biết khi nào hay ai sẽ đứng ra thanh toán.
Cách đây vài ngày, các cầu thủ Than Quảng Ninh đã đồng loạt gửi đơn đến lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ninh, Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh, VFF, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để "cầu cứu". Trong đó, nhiều người nhấn mạnh việc họ bị nợ lương, thưởng, tiền lót tay suốt 3 năm qua. Các cầu thủ Than Quảng Ninh cũng sẵn sàng gửi đơn khiếu nại lên FIFA nếu vấn đề không được giải quyết.
Vốn là một đội bóng đã "vụt sáng" thành thế lực mới của bóng đá Việt Nam, việc CLB Than Quảng Ninh dừng hoạt động khiến nhiều người hâm mộ bóng đá không khỏi ngỡ ngàng và tiếc nuối.
"Ông bầu" đứng sau CLB này là Phạm Thanh Hùng - vị đại gia vẫn được giới mộ điệu đất mỏ gọi với cái tên trìu mến: Hùng "xoăn".
Theo trang chủ của CLB Than Quảng Ninh, ông Phạm Thanh Hùng sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao tại Quảng Ninh. Cha ông Hùng là người người đoạt chức vô địch giải cờ tướng miền Bắc năm 1969, còn các anh chị em cũng tham gia hoạt động thể thao trong lĩnh vực bóng bàn, cờ vua. Bản thân ông Hùng cũng có tình yêu và mối quan tâm đặc biệt với bóng đá. Khi còn trẻ, vị doanh nhân sinh năm 1964 đã đi bộ hàng chục km để xem bóng đá.
Ngoài ra, ông Hùng còn là doanh nhân có tiếng trong giới đại gia khoáng sản và xăng dầu, hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang (Hà Giang Gold Corp).
Năm 2014, ông chính thức tiếp quản đội bóng từ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Đổi lại, Hà Giang Gold Corp của ông được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép sử dụng lượng bã sàng, đá xít thải của TKV để sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ theo hướng ưu tiên phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gạch, vật liệu xây dựng và các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn.
Theo Vietnamnet, việc doanh nghiệp của ông Hùng được tỉnh Quảng Ninh ưu ái là chuyện chưa từng có trong tiền lệ bởi trước đó UBND tỉnh này còn ban hành cả Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, tập kết, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than, bã sàng, đá xít, đất đá lẫn than trên địa bàn tỉnh.
Còn nữa, trong cuộc họp bàn về việc bàn giao CLB bóng đá Than Quảng Ninh cho Hà Giang Gold Corp vào ngày 12/8/2014 do UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, Tập đoàn TKV cam kết, mỗi mùa giải tài trợ cho đội bóng số tiền lần lượt là 35 tỷ đồng. UBND tỉnh cam kết hỗ trợ 10 tỷ đồng, bàn giao SVĐ Cẩm Phả và Trung tâm Thể thao 2 thuộc phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) cho Hà Giang Gold Corp, quản lý theo hình thức "đầu tư công, quản lý tư".
Ông Hùng "xoăn" thành lập Hà Giang Gold Corp từ năm 2009, cơ cấu cổ đông của công ty gồm CTCP Cơ điện Việt Nam, CTCP Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc (Đông Bắc CMI), CTCP Đầu tư thương mại và kỹ thuật Khoáng sản Việt Lào, Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Vận Thiên, và Công ty TNHH Vĩnh Đạt.
Trong đó, Đông Bắc CMI – đăng ký kinh doanh chính trong lĩnh vực xăng dầu - là cổ đông lớn nhất tại Hà Giang Gold Corp với tỉ lệ sở hữu 35% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 6/2008, do vợ chồng doanh nhân Phạm Thanh Hùng – Lương Thị Thảo nắm tỉ lệ sở hữu chi phối.
Theo dữ liệu của Viettimes, 4 năm trở lại đây, doanh thu của Đông Bắc CMI có xu hướng giảm. Doanh nghiệp báo lỗ liên tiếp trong hai năm 2016, 2017, lần lượt là -16,9 và -18,7 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu 12,22 tỷ đồng và lãi vỏn vẹn 68 triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH một thành viên Bóng đá Than Quảng Ninh đều đặn ghi nhận doanh thu khoảng 35-47 tỷ đồng qua các năm nhưng chỉ báo lãi duy nhất vào năm 2016. Đến cuối 2019, công ty âm vốn chủ sở hữu tới 16,45 tỷ đồng.
Tình trạng khó khăn về tài chính của CLB Than Quảng Ninh bắt đầu được báo chí nhắc đến từ đầu năm 2021. Trước khi mùa giải 2021 khởi tranh, UBND tỉnh Quảng Ninh và CLB Than Quảng Ninh đã ngồi với nhau để bàn cách tháo gỡ khó khăn về tài chính. Thậm chí, ông Phạm Thanh Hùng còn mạnh miệng tuyên bố sẽ sẵn sàng vay ngân hàng để nuôi đội bóng.
Tuy nhiên, mới đây "ông bầu" này đã trả lời báo chí: "Từ năm 2020 đến nay tôi đã 3 lần gửi đơn trả đội bóng cho UBND tỉnh Quảng Ninh, mới đây nhất cũng gửi thêm đơn. Bản thân một mình tôi không thể nuôi được đội bóng với kinh phí mỗi năm lên tới cả trăm tỉ đồng", ông Hùng trả lời báo Tuổi trẻ.
Ngoài ra, đại gia Hùng "xoăn" còn sở hữu nhiều xe sang như Mercedes, Rolls-Royce, Bentley.