Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có văn bản gửi các công ty chứng khoán về kế hoạch diễn tập chuyển đổi hệ thống lần 1 của Dự án Công nghệ thông tin KRX.
Theo đó, từ ngày 4/3-8/3, HOSE sẽ chuyển đổi hệ thống. Các công ty chứng khoán chuẩn bị hệ thống để chuyển đổi theo lịch trình, thực hiện kiểm tra hệ thống và cutover test (kiểm tra việc chuyển đổi) ngày 7/3.
Từ ngày 11-15/3, các công ty chứng khoán sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động như một ngày giao dịch bình thường. HOSE lưu ý ngày đầu tiên trên hệ thống là 4/3. Dữ liệu cho ngày giao dịch đầu tiên là dữ liệu cuối ngày 1/3.
Đây là một tín hiệu rất tích cực, nó cho thấy hệ thống đã tới những bước thử nghiệm cuối cùng.
Đại diện một công ty chứng khoán cho biết, theo kế hoạch còn thêm một đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) nữa là hệ thống có thể đi vào hoạt động.
Trong các cộng đồng, giới đầu tư kỳ vọng trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây, các CTCK sẽ hoàn tất việc chuyển đổi hệ thống KRX và sau nghỉ lễ sẽ có thể giao dịch ngay trên hệ thống mới. Như vậy, rất có thể ngày "go live" của hệ thống KRX sẽ là 2/5.
KRX là hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế. Hệ thống KRX do HOSE làm chủ đầu tư, được ký kết với KRX vào năm 2012. Tổng đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.
Ngoài HOSE với tư cách là chủ đầu tư, các đơn vị thụ hưởng của hệ thống còn có Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD). Mục tiêu là tạo ra một hệ thống công nghệ thông tin thống nhất giữa 2 sở và VSD, nâng cao quy mô xử lý lệnh cũng như tạo nền tảng cho các sản phẩm mới cho thị trường.
Ban đầu, HOSE dự kiến hoàn thành năm 2021. Tuy nhiên, Sở liên tục lỗi hẹn cho dù tình trạng tắc nghẽn tiếp tục xảy ra. Gần đây nhất, hệ thống KRX được lên kế hoạch go live vào ngày 25/12/2023 nhưng bất thành do giai đoạn kiểm thử của các công ty chứng khoán chưa hoàn tất.
Tại buổi họp báo thường kỳ hôm 19/1 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, ông rất muốn hệ thống giao dịch KRX đi vào hoạt động càng sớm càng tốt. Tại thời điểm 31/12/2023, các công việc kỹ thuật cơ bản đã hoàn thành và đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định thời điểm nào hệ thống này vận hành chính thức.
Ông Chi cho biết, đây là hệ thống rất lớn, gắn kết chặt chẽ giữa các hệ thống như HOSE, HNX, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán… Điều quan trọng là phải đảm bảo an toàn cao nhất và sớm nhất đưa vào vận hành khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.
Trong phiên 19/2, HOSE tổ chức "Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân Giáp Thìn 2024", bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch HOSE, cho hay dự án công nghệ thông tin với nhà thầu Hàn Quốc đã thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng (FAT), đang xem xét triển khai hệ thống trong năm 2024.
Cũng trong buổi lễ đánh cồng, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết trong năm 2024, hệ thống KRX sẽ đi vào hoạt động, nhưng sớm hay muộn còn phụ thuộc vào chủ đầu tư HOSE và các thành viên thị trường bảo đảm vận hành thông suốt hay không.
Cú hích cho thị trường chứng khoán và bệ đỡ cho nâng hạng?
KRX là hệ thống đã được kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản tăng vọt, giải quyết được hiện tượng tắc nghẽn như đã xảy trong các năm 2020-2021. Đồng thời, sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường chứng khoán.
KRX được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như mua bán trong ngày, bán chứng khoán trên đường về, bán khống rút ngắn thời gian thanh toán…; tạo tiền đề giải quyết các nút thắt để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi như thanh toán bù trừ trung tâm, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng…
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính hệ thống mới giúp giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của VN-Index tăng 30-70% so với thanh khoản bình quân 5 năm gần đây.
Trước đó, VNDirect cho rằng, hệ thống KRX đi vào vận hành có thể giúp nâng cao năng lực thanh khoản lên tới 4 tỷ USD/phiên. Hệ thống mới sẽ giúp giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 như hiện nay, từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn.
Ở nhiều thị trường chứng khoán quốc tế, cơ chế giao dịch trong ngày (daytrading - hay còn gọi là T+0) được áp dụng, cho phép nhà đầu tư có thể mua và bán cùng một loại chứng khoán (hay các sản phẩm tài chính khác) nhiều lần trong cùng ngày với mục đích đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận hoặc để hạn chế rủi ro do giá chứng khoán biến động theo chiều hướng đi xuống so với thời điểm mua vào.
Với việc thực hiện giao dịch trong ngày, vào cuối ngày, tất cả vị thế nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư sẽ được đối trừ với nhau, nên không phát sinh nghĩa vụ thanh toán chứng khoán. Nhà đầu tư chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán bằng tiền trong trường hợp bị lỗ hoặc được nhận tiền trường hợp lãi.
Còn nghiệp vụ bán khống (short selling) là hoạt động bán cổ phiếu mà người bán không sở hữu vào thời điểm thực hiện giao dịch. Khi bán khống, nhà đầu tư mượn chứng khoán từ tài khoản của nhà môi giới và bán trong trường hợp dự đoán giá chứng khoán giảm, sau đó mua lại với giá thấp hơn trong tương lai nhằm thu lợi.
Theo giới phân tích, giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú huých giúp thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn. Đây cũng là yếu tố sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí để nâng hạng thị trường theo đánh giá của FTSE và MSCI.
Khi hệ thống KRX đi vào hoạt động, nhóm cổ phiếu chứng khoán được đánh giá hưởng lợi lớn nhất nhờ thanh khoản lên cao. Gần đây, một loạt cổ phiếu chứng khoán đã tăng rất mạnh như: SSI, VND, HCM…
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)