Thời gian gần đây, nhiều lô hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát hiện. Nhiều đơn vị cho biết chưa bao giờ người tiêu dùng Việt bị xâm hại đến như thế này.
Tại Hội thảo giải pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam ngày 8/1, vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được nhắc tới nhiều lần.
Nhiều ví dụ được các Chi cục Quản lý thị trường trung ương, địa phương đưa ra cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Bán bao bì lấy tiền?
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, kiêm Chủ tịch hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Nam Định cho rằng, vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề bức xúc toàn dân.
Ông Dương cho biết, khi làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc, người ta nói bánh Choco Pie của Hàn Quốc phải sản xuất theo dây. Theo đó, mỗi một thùng 24 hộp mà có 1 dây giả thì toàn bộ đó là hàng giả. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ nhận biết qua ngày (tháng năm) sản sản xuất và hạn sử dụng để phân biệt.
|
Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng bị xâm hại trầm trọng khi các đơn vị cơ quan quản lý nhà nước liên tục phát hiện những vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Ảnh: TT.
|
Ông Dương cũng dẫn ví dụ để cho thấy người tiêu dùng Việt Nam bị xâm hại trầm trọng như thế nào.
“Cách đây 3 hôm, Chi cục tỉnh phát hiện và bắt được 3 tấn bánh kẹo đóng gói rất đẹp. Bao bì mẫu mã như của nước ngoài, bên trên đề 450 gram. Nếu cân cả hộp bánh là đủ trọng lượng. Nhưng khi bóc các tấm đệm là giấy ở trên và dưới thì chiếc bánh chỉ còn khoảng cao nhất là 200 gram, thấp nhất chỉ 50 gram.
"Có thể thấy người tiêu dùng đang bị xâm hại đến mức như thế nào khi đơn vị này bán bao bì, giấy lộn lấy tiền?", ông Dương bức xúc.
Gần đây, Chi cục kết hợp với một hãng máy lọc nước chính hãng đã phát hiện, thu hồi mấy chục máy lọc nước giả. Những máy này có củ lọc hoàn toàn giả, có nguồn gốc ở Trung Quốc, không có tác dụng lọc.
Chi Cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Nam Định cũng cho rằng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước không phải bảo vệ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, mà phải bảo vệ người tiêu dùng cuối cùng. Bởi các đơn vị kinh doanh, các đại lý đã ăn hoa hồng. "Thậm chí nhiều đại lý còn lợi dụng đưa những hàng kém chất lượng để buôn bán”, ông nhấn mạnh.
Người tiêu dùng biết giả vẫn mua vì rẻ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, cuối năm, đặc biệt thời điểm Tết nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao là dịp, thời cơ để những hành vi gian lận thương mại nói chung, trong đó có việc sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm tung ra thị trường.
Vấn đề này, năm nào Hiệp hội cũng lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ. Bởi các đơn vị này thường tập kết và chuẩn bị hàng từ rất sớm. Thậm chí, có đơn vị hiện giờ đã có thể ém hàng sẵn. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra ngay từ mấy tháng trước chứ không phải chỉ tháng giáp Tết.
"Đơn cử một mặt hàng nhỏ như trò chơi trẻ em, chúng tôi đã nói rất nhiều. Hôm qua, Hiệp hội đã nhận được thông tin từ một cơ quan báo chí, phản ánh một người dân ở Nam Định mua một chiếc mũ trẻ em, bên trong có thiết bị pin mà trẻ em đội gây một âm thanh phát ra ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Song, mặc dù đã cảnh báo, điều tra... nhưng những sản phẩm này liên tục xuất hiện ở những dạng mới, rất khó phát hiện kịp thời", ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, việc hàng giả xuất hiện tràn lan thường có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do người dân không biết nên không khiếu nại. Thứ hai là họ có biết nhưng vẫn chủ động mua.
"Tôi từng tiếp cận với các cháu sinh viên. Khi hỏi các cháu có biết chiếc áo đang mặc là nhãn mác giả... thì phần lớn các cháu đều biết nhưng vẫn mua, sử dụng vì nó rẻ. Do đó, hiện Hiệp hội nhận được khá ít khiếu nại và hầu như chỉ là hàng kém chất lượng", ông cho hay.
Đưa ra những giải pháp thiết thực, ông Hùng cho rằng, ngoài nhiệm vụ của cơ quan chức năng giám sát chất lượng, an toàn, chống hàng giả, hàng nhái thì chính người tiêu dùng nên chủ động nắm bắt thông tin và thận trọng khi mua hàng.
Trường hợp khi mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng nên chủ động phản ánh với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện xử lý.
Theo Ngọc Lan (Zing.vn)