Người dân Đà Lạt đành phải bấm bụng chặt bỏ cây đặc sản có một không hai ở Việt Nam.
Giá của loại trái cây này rẻ đến mức khiến nhiều du khách bất ngờ: 3.000-5.000 đồng/kg.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Trần Thị Xuân Mai, chủ vườn hồng hơn 1,5 ha ở xã Hiệp An (Đức Trọng), than thở: “Ngày trước, thu hoạch một vụ hồng sống khỏe cả năm. Giờ bán 2 kg hồng mà không mua nổi cho con cây kem. Năm nay gia đình tôi thu hoạch 14 tấn hồng, bán được gần 40 triệu đồng nhưng trừ công cán, phân bón… lỗ cả vốn”.
Một số chủ vườn khác cũng cho biết có thời điểm thương lái mua với giá chỉ 2.000 đồng/kg loại trái đẹp. Với loại trái nhỏ, không đẹp, thương lái chỉ mua với giá 1.000 đồng/kg.
“Giá hồng liên tục tuột dốc, trong khi các loại chi phí như công thu hái, vận chuyển, phân bón ngày càng tăng cao nên nhiều gia đình chặt bỏ cây hồng để trồng cà phê", bà Đặng Thị Thu Hường ở xã Xuân Thọ, người gắn bó với đặc sản hồng Đà Lạt gần 30 năm nay, ngậm ngùi.
Đặc sản hồng Đà Lạt đang được bán với giá rẻ bèo. |
Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Nhiều tiểu thương tại TP HCM cho hay hiện nay hồng Trung Quốc đang tràn về rất nhiều. Điều đáng nói là hồng Trung Quốc “đội lốt” hồng Đà Lạt để đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều người thấy giá rẻ bèo lại tưởng hồng Đà Lạt là hàng Trung Quốc nên hạn chế mua, khiến mặt hàng này đã rẻ lại càng thê thảm.
“Từng có hiện tượng biến khoai tây, dâu tây Trung Quốc… thành đặc sản cùng loại của Đà Lạt nên bây giờ nhiều người không dám tin khi người bán nói đó là hồng Đà Lạt nữa. Hồng Đà Lạt đang bị oan” - chị Hoa ở khu Bàu Cát 2, quận Tân Bình (TP HCM) nói. Ngoài ra, hồng Trung Quốc dùng chất bảo quản nên có thể vận chuyển xa, để được rất lâu mới hư hỏng.
Một số chuyên gia thì nhìn nhận một trong những nguyên nhân “giết chết” hồng Đà Lạt là do loại trái cây này chín nhanh và phải ăn liền, trong khi người dân lại chưa được hướng dẫn cách bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch. Hệ quả là chủ yếu bán quanh quẩn tại Đà Lạt và một số địa phương, không thể xuất khẩu.
Nguy cơ xóa sổ đặc sản
Vào thời hoàng kim, diện tích hồng tại Đà Lạt lên đến hàng ngàn hecta. Nhưng theo Chi cục Thống kê TP Đà Lạt, hiện diện tích đặc sản này chỉ còn khoảng 300 ha (sản lượng khoảng 4.592 tấn), chỉ bằng 10% so với 10 năm trước.
Đáng lo ngại hơn là diện tích cây đặc sản này đang tiếp tục sụt giảm rất nhanh, do nhiều người chặt bỏ để chuyển sang các loài cây khác như cà phê, hoa.
“Trái hồng là đặc sản có tiếng của vùng có khí hậu đặc biệt như Đà Lạt nhưng đến nay vẫn chưa có nhà máy chế biến để xuất khẩu. Những lò sấy hồng tại Đà Lạt thì quy mô nhỏ, thủ công kiểu hộ gia đình nên khâu chế biến hồng khô chỉ đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Điều này giải thích vì sao cứ vào vụ thu hoạch rộ hồng thường ế ẩm và rớt giá…” - ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt, nêu thực trạng.