Người nông dân vẫn như đang rơi vào ma trận của hơn 7.000 loại phân bón thật, giả lẫn lộn, theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận.
Thiệt hại cho nông nghiệp, thiệt hại cho nông dân theo ông Cương ước tính khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ông cho rằng, sau nhiều lần chất vấn từ nhiệm kỳ trước nhưng đến nay công cuộc phòng, chống phân bón giả trên thực tế chưa mang lại kết quả.
Phân bón giả đang trở thành hiện tượng phổ biến, gây hại cho người tiêu dùng. Ảnh:Báo Hải quan |
Cũng theo ông Cương, hiện thị trường phân bón vẫn tồn tại hơn 7.000 loại phân bón, phân bón lá, bón rễ, phân thật, phân giả, phân kém chất lượng lẫn lộn. Nông dân thì như rơi vào ma trận và thiệt hại thì chỉ biết kêu trời.
"Sau kỳ họp thứ 2, bộ trưởng hứa là sẽ họp bàn và tìm giải pháp nhưng sau 6 tháng trôi qua việc duy nhất làm được là chuyển việc quản lý về đầu mối duy nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Còn 7.000 loại phân bón vẫn mặc sức nhảy nhót, tung hoành trên thị trường, đẩy người nông dân đến cảnh khốn đốn", đại biểu tỉnh Ninh Thuận nói.
Ông Cương cũng cho biết, điều đáng nói là 11 đơn vị trước đây được Cục Trồng trọt giao trách nhiệm là thử nghiệm và chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón thì cả 11 đơn vị đều sai phạm theo kết luận của chính thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đâu là chỗ dựa tin cậy cho công tác quản lý Nhà nước và phân bón giao về Bộ.
Cùng với đó, theo ông, công tác xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này cũng diễn ra chậm trễ, chưa quyết liệt. Ông lấy ví dụ sự việc liên quan đến Công ty Cổ phần Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) - một doanh nghiệp bị phát hiện nhiều sản phẩm phân bón bị làm giả.
"Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Vậy mà một vụ việc sản xuất phân bón giả được 2 đồng chí Phó thủ tướng thường trực Chính phủ của 2 nhiệm kỳ phải có nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp, rồi 6 bộ liên quan đều khẳng định là Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn không bị khởi tố. Một kênh truyền hình đã có phóng sự là "Kỳ án Thuận Phong. Vâng, đúng là nó rất kỳ. Chỉ có những người không có lương tâm mới bảo kê, tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả làm khổ người nông dân", ông Cương nói.
Đại biểu cũng cho biết, rất nhiều cử tri từng đặt câu hỏi, tại sao cơ quan quản lý không bắt hết những người sản xuất, kinh doanh phân bón giả để nông dân được yên ổn làm ăn. "Tôi cũng mong Chính phủ đưa giúp tôi câu trả lời cho cử tri để không phải chuyển câu hỏi cho nhiệm kỳ kế tiếp như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói ở nhiệm kỳ trước", ông Cương nói.
Theo Ngọc Tuyên (VnExpress.net)