Hơn 36% số người thất nghiệp có bằng cấp

31/10/2015 11:46:10

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số người có bằng cấp thất nghiệp tiếp tục tăng, với hơn 418 nghìn người có trình độ trung cấp trở lên thất nghiệp.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số người có bằng cấp thất nghiệp tiếp tục tăng, với hơn 418 nghìn người có trình độ trung cấp trở lên thất nghiệp.

Vất vả thi tuyển, học hành rồi sau khi ra trường lại vất vả tìm việc làm (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Như Ý

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II/2015, Bộ LĐ-TB&XH công bố sáng 30/10, trong quý cả nước có hơn 1,14 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động (chiếm 2,42% tổng số lao động cả nước). Trong đó, phần lớn người thất nghiệp là nam thanh niên ở nông thôn.

Đáng chú ý, theo báo cáo này, có tới 418,5 nghìn người có trình độ trung cấp trở lên thất nghiệp (chiếm 36,6% tổng số người thất nghiệp). Trong đó, có 199,4 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 17,4% số người thất nghiệp), tăng 22 nghìn người so với quý trước đó. Hơn 101 nghìn người có trình độ cao đẳng thất nghiệp. Theo đơn vị thống kê, chỉ có lao động thất nghiệp trình độ cao đẳng, giảm so với quý trước, còn các nhóm có bằng cấp khác đều tăng.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật (chứ chỉ sơ cấp trở lên) có 10,7 triệu người, chiếm hơn 20% lực lượng lao động. Trong đó, riêng trình độ đại học trở lên có 4,47 triệu người. “Nước ta đang mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo nghề và giáo dục đại học, người có bằng đại học dư thừa, nhưng lao động tay nghề lại thiếu. Năm học vừa qua, thí sinh 12 điểm vẫn đỗ đại học, sau này, những người đó chỉ có bằng đại học chứ không phải người có trình độ đại học”, bà Hương nói. Bà Hương cho biết, hiện ngành kế toán, tài chính, kinh doanh, bán hàng cung đang
vượt cầu.

Về thu nhập, bình quân tháng của người lao động Việt Nam là 4,4 triệu đồng/tháng (giảm so với quý 1). Trong đó, lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất với 6,1 triệu đồng/tháng; tiếp đến là doanh nghiệp có vốn nước ngoài hơn 5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp ngoài nhà nước 4,9 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nhất là lao động ở khu vực hợp tác xã chỉ 2,8 triệu đồng/tháng.

Theo bà Hương, hiện cả nước có khoảng 2,7 triệu người có thu nhập thấp (dưới 2 triệu đồng/tháng) và số này có dấu hiệu tăng. “Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế chưa chuyển hóa tới thị trường lao động, chưa nâng cao được đời sống người lao động”, bà Hương nói. Trong nhóm người thu nhập thấp, những người có trình độ đại học trở lên chiếm 3,7%, nhóm thợ kỹ thuật chiếm 15%, theo bà Hương, điều này thể hiện nhiều người có bằng cấp nhưng chưa chắc đã có trình độ (đây là lý do tại sao họ vẫn có thu nhập thấp và thất nghiệp vẫn gia tăng).

Về tạo việc làm, trong quý cả nước có thêm 103 nghìn việc làm mới (cả nước 52,5 triệu người có việc), tập trung chủ yếu ở nông thôn (chiếm 68,7%).
 
>> Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Có làm được việc đâu mà kêu ca
>> Nỗi lo thất nghiệp của sinh viên sắp ra trường

Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)

Nổi bật